Ý chí và lòng tin của người cộng sản tại nhà tù Phú Quốc

Thứ tư - 11/12/2024 22:20
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược có biết bao đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho sự nghiệp cách mạng, bị địch bắt tra tấn, tù đày trong các nhà, trong đó có nhà tù Phú Quốc. Dù hoàn cảnh khắc nghiệt của lao tù, tù nhân bị đàn áp dã man, nhưng các chiến sĩ đều giữ vững khí tiết cách mạng, nêu cao ý chí kiên trung, bất khuất, một lòng vì Đảng, vì cách mạng, vì Nhân dân. Qua lời kể của chú Bùi Văn Sáu, sinh năm 1938 tại ấp Nghĩa Chí, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, thương binh với tỷ lệ 61%, là nhân chứng sống bị địch giam trong nhà tù Phú Quốc từ năm 1971-1973, ta càng thấm thía ý chí kiên trung của người chiến sĩ cách mạng và lòng tin với Đảng, với sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Vào lúc 15 giờ ngày 23/5/1970, một trung đội biệt kích địch do 2 tên cố vấn Mỹ chỉ huy và 2 tên chiêu hồi dẫn đường đánh vào trại an dưỡng thương binh ở Gò Công, lúc ấy trong trại có 6 người. Khi đó, chú Sáu và đồng chí Luốt vì bị thương nặng không chạy được nên bị địch bắt, 4 đồng chí còn lại bị thương nhẹ hơn nên chạy thoát. Trại vẫn có “cứ” (hầm B11) nhưng vì địch đánh quá bất ngờ nên mọi người không đến “cứ” được.

Khi chúng bắt được chú Sáu và đồng chí Luốt, 2 tên chiêu hồi điểm mặt và nói: “Bắt được thằng Sáu Cọp là Việt cộng chính cống”. Chúng đè 2 người nằm sấp xuống đất rồi trói lại, dẫn ra ngoài trại, bên ngoài có 2 tên Mỹ, nó bóp cổ rồi vật chú Sáu xuống đất, sau đó, đá, đạp vào người chú. Chúng bắt đầu hỏi cung qua tên thông dịch. Vì có 2 tên chiêu hồi chỉ điểm và nó biết rõ tên, tuổi của chú Sáu nên chú không thể không khai nhưng khai như thế nào để không ảnh hưởng đến đồng chí, đồng đội, đến tổ chức. Vậy là chú khai tên tuổi của chú. Nó tiếp tục hỏi tên đơn vị đóng ở đâu.

Chú Sáu trả lời không biết vì chú bị thương gãy chân đã lâu nên không liên lạc được với đơn vị. Chúng hỏi tiếp:

- Tại sao mày đi bộ đội?
- Vì đợt Mậu Thân 1968, ai cũng đi nên tôi cũng đi.
- Ai đưa mày đi?
- Mấy người đưa tôi đi đã hy sinh hết rồi.
- Ai chỉ huy mày?
- Mấy người đã hy sinh như Hai Ký hướng dẫn đi, chỉ huy là đồng chí Cu Bụng cũng hy sinh rồi.
- Mày có mấy tuổi Đảng, Đoàn?
- Mới đi nên không có Đảng, Đoàn gì hết. (Nhưng thực tế lúc bấy giờ chú đã được 4 tuổi Đảng).
- Mày biết điểm đơn vị mày hiện nay ở đâu không, có bao nhiêu hầm bí mật? Mày chỉ tao, tao sẽ thả mày.
- Vì tôi bị thương đã lâu nên tôi không biết. (Nhưng chú là cán bộ Trung đội Trinh sát quân báo, đã xây dựng cho đơn vị hàng chục hầm bí mật cũng như chỗ ở của đơn vị. Chú luôn thuộc lòng lời dạy của Đảng “Khi sa chân vào tay giặc một lời không nói, nửa lời không khai” trước kẻ thù hung ác).

Sau đó, chúng đưa chú vào nhà giam Phòng 2 (Phòng An ninh quân đội) của chúng. Tại đây, chúng hỏi cung bằng dùi cui, roi điện và các vật dụng tra tấn khác. Chúng châm điện, đánh bằng dùi cui, nhưng chú vẫn khai như lúc ban đầu. Vì vậy, chúng điện cho Phòng 2 thuộc Tiểu khu Gò Công sang đưa chú về Gò Công để tiếp tục điều tra. Khi về Phòng 2 Gò Công, chúng tiếp tục tra tấn và hỏi cung: “Mày ở đâu? Tại sao mày đi bộ đội?”. Chú vẫn trả lời như ban đầu. Do đó, chúng hoàn thành hồ sơ, giam chú hơn một năm tại Trại giam Gò Công. Chúng luôn theo dõi tù binh, có một lần nghi ngờ tù nhân chống lại chúng, chúng kêu mọi người lên điều tra hỏi cung rồi đánh tập thể, mỗi người chịu mấy chục cây roi mây.

Đến tháng 11/1971, chúng đưa tù binh lên Trại giam Cần Thơ thuộc Vùng 4 chiến thuật, nơi đây chúng chia ra làm hai khu: khu tù binh và khu chiêu hồi để chúng dễ kiểm soát. Khu tù binh, chúng tổ chức một phòng trật tự nhằm theo dõi tù binh cả ngày lẫn đêm để báo cáo cho Ban giám thị. Bọn này luôn gây khó dễ cho tù binh.

Tháng 4/1972, ta tổ chức bắt mấy tên trật tự ác ôn trong trại giam, có một số chạy thoát ra bên ngoài trại giam báo cho bọn giám thị, chúng nổ súng tiếp cứu bắn xả vào trại giam tù binh khiến một số tù binh bị thương. Chúng còn cho trực thăng bay quần đảo sáng đêm nhằm đe dọa tù binh. Cuộc đấu tranh kéo dài cả tuần, tù binh nêu yêu sách, đòi giải tán bọn trật tự, đòi cải thiện dân sinh, cho tù binh tổ chức học tập văn hóa do tù binh giảng dạy, được phép tổ chức sinh hoạt họp mỗi phòng một tuần một lần. Sau đó, địch buộc phải nhượng bộ, học văn hóa, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ được cải thiện phần nào, một số bài nhạc có nội dung lành mạnh, tiến bộ, yêu nước được tù nhân thường xuyên hát, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu gia đình, yêu đồng chí, đồng đội.

Đến tháng 7/1972, chúng đày tù binh Cần Thơ ra nhà tù Phú Quốc. Vào lúc 4 đến 5 giờ chiều, chúng đưa tù binh xuống một chiếc tàu chứa trên 1.000 tù binh, nghẹt cứng không thở nỗi, không xoay mình được, tiểu tiện tại chỗ. Chuyến đi này vô cùng khắc nghiệt. Đến khoảng 8 giờ sáng mới lên bến tập hợp, ngồi ngoài nắng khoảng 2 tiếng đồng hồ. Tại đây, sau màn đánh phủ đầu, bọn chúng phát loa kêu gọi: “Ai muốn về gần vợ, gần con bước sang một bên”. Nhưng tù binh trả lời: “Khi nào hòa bình, anh em chúng tôi mới về”.  Sau đó, địch đưa chú Sáu và nhiều tù binh khác mới đến trại giam Khu D4. Tại đây, chúng tập hợp lại điểm danh rồi phân chia ra thành từng phòng, chú Sáu ở Phòng 10, mỗi khu có 10 phòng, phòng chú ở giáp ranh với khu B là khu chiêu hồi. Bọn trật tự canh giữ tù binh cả ngày lẫn đêm, nếu có nghi ngờ gì thì chúng báo ngay với giám thị trại giam. Bình thường, vào ban ngày, trại giam điểm danh 4 lần, khi có nghi ngờ chúng bắt điểm danh bất thường, nếu có gì xảy ra chúng sẵn sàng nổ súng.

Trước 6 giờ tối, tù binh phải vào trại, ai còn bên ngoài thì chúng nổ súng bắn xả vào trại giam, chỗ ăn ngủ thì rất phức tạp, ngủ trên những bẹ cây kết lại nên lồi lõm, rất khó nằm, người cách người không quá 5cm, có khi phải trở đầu nhau mới nằm được. Ban đêm, mỗi khi quân cảnh đổi ca trực thì chúng lại điểm danh. Mỗi đêm điểm danh ít nhất từ 6 đến 7 lần trở lên.

Buổi sáng, sau 6 giờ, tù binh mới được ra ngoài phòng tiêu tiểu, nền cầu tiêu, tiểu hôi thối rất nhiều, phần nền đi vệ sinh cao trên một mét, không có che chắn để trống cho bọn chúng dễ bề kiểm soát,... Còn ăn uống thì thiếu thốn, thức ăn hàng ngày là cá chết, có khi sình thúi, rau tươi thỉnh thoảng mới có, khi có thì rất ít; cơm ăn chỉ khoảng 1 chén, bữa ăn ngon nhất là cơm cháy chảo lá sen của bếp tù. Còn tắm giặt, tù binh một tuần mới được tắm 1 lần, vừa tắm vừa giặt chỉ với khoảng 2 lít nước. Đó là nước hằng ngày để dành trong tuần mới có, bọn chúng muốn tù binh kiệt sức về thể xác dẫn đến chết dần, chết mòn. Còn việc học tập văn hóa của tù binh ở nhà tù Phú Quốc là chiếc đũa chuốt nhọn để làm ngòi bút, nền đất thay cho giấy trắng, lấy vải áo quần viết công thức để nhớ mà học. Việc này hoàn toàn bí mật, khi quân cảnh đi tuần tra nếu gặp tù binh học là đánh đập rất dã man.

Cách tra tấn của chúng là bắt lột hết áo tù binh, chỉ mặc chiếc quần đùi rồi đem giam vào thùng sắt để ngoài trời nắng, nắng nóng như ở trong lò lửa; ban đêm thì lạnh rét run người, đã vậy, chúng còn lấy nước tạt vào thùng sắt, làm cho người tù binh càng thêm lạnh. Có khi chúng còn tra tấn dã man hơn là bắt tù binh bỏ vào thùng phuy rồi lấy cây đập vào thùng, gây điếc tai long óc hay nấu nước sôi, cho người vào bao bố rồi quăng vào chảo nước đang sôi. Chúng còn đưa tù binh vào hầm kín để tra tấn bằng cách đục các khớp tay, khớp chân, răng,… làm cho tù binh bị liệt, có sống cũng như chết. Dã man hơn, chúng còn dùng đinh đóng vào đầu tù binh, làm cho người tù chết trong đau đớn, kinh hoàng. Do tra tấn độc ác đó nên hiện giờ có trên 5.000 tù binh nằm lại nghĩa trang Phú Quốc. Vậy hỏi trên thế gian có ai độc ác bằng bọn tay sai mất hết tính người?

Địch tàn ác như vậy nhưng tinh thần yêu nước, khí phách cách mạng, lòng kiên trung của người chiến sĩ cách mạng vẫn giữ vững, việc học tập văn hóa hàng ngày vẫn được thực hiện. Tù binh tổ chức trốn thoát bằng cách lợi dụng chúng bắt tù binh đi lấy củi trong rừng, khi đó mọi người chờ sơ hở sẽ cướp súng đánh lại chúng, rồi bỏ chạy vào rừng, tham gia hoạt động cùng với lực lượng vũ trang cách mạng của đảo Phú Quốc cho đến ngày giải phóng đất nước. Ngoài ra, tù binh còn tổ chức đào hầm từ trong trại trổ ra ngoài để trốn thoát.

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết. Ngày 19/3/1973, theo nội dung của Hiệp định, chú Sáu được trao trả tại bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Mọi người hân hoan không cầm được nước mắt khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên nền trời của Tổ quốc Việt Nam. Sau đó, tổ chức đưa đoàn ra miền Bắc an dưỡng và học tập, huấn luyện để trở về miền Nam tiếp tục công tác và chiến đấu cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập536
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm521
  • Hôm nay84,433
  • Tháng hiện tại2,668,986
  • Tổng lượt truy cập43,464,965
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây