Trung kiên, bất khuất, giữ vững phẩm chất cách mạng của người đảng viên cộng sản trong nhà lao của địch

Thứ ba - 05/11/2024 22:03
Tổng kết 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), Bộ Chính trị đã khẳng định, cuộc đấu tranh thắng lợi giành độc lập dân tộc, Đảng ta đã phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các lực lượng yêu hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới, đánh bại những thế lực xâm lược hùng mạnh. Trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng hy sinh trước kẻ thù và cũng có nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chịu đựng gian khó, tù đày trong các nhà lao của địch.

Đồng chí Phạm Văn Viết (Năm Viết) sinh năm 1936 tại làng Long Chánh, tổng Hòa Đồng Trung, tỉnh Gò Công (nay thuộc phường Long Chánh, thành phố Gò Công). Đồng chí tham gia cách mạng tháng 6/1950, lúc bây giờ mới 14 tuổi, đồng chí làm liên lạc ở Bình Công, Long Chánh. Làng Long Chánh là vùng đất giáp ranh làng Thành Phố, chỉ ngăn cách bởi con sông Gò Công, vì vậy địch tập trung đánh phá các cơ sở cách mạng, một số cán bộ hy sinh, bị địch bắt hoặc điều lắng sang địa bàn khác hoạt động, các cơ sở cách mạng ở Cây Lai, xóm Hội Đồng, Rạch Rô, Kho Dầu, hầu như bị tan rã. Với quyết tâm “Đảng bám dân, dân bám đất”, để bảo toàn lực lượng, chi bộ Đảng tổ chức một số cán bộ bám trụ lãnh đạo quần chúng nhằm duy trì phong trào cách mạng. Khi Hiệp định Genevơ được ký kết, hòa bình lập lại, sau đó đồng chí Phạm Văn Viết xin nghỉ việc để làm ruộng, đến năm 1960 đồng chí trở lại công tác tại xã Long Chánh (lúc này xã Long Chánh trở thành xã Long Thuận, huyện Gò Công), đồng chí được phân công về ấp Kho Dầu do đồng chí Ba Lễ làm Bí thư chi bộ. Sau Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 15 (1959), phong trào Đồng khởi nổ ra rộng khắp, đồng chí được giữ nhiệm vụ phụ trách an ninh. Lúc bấy giờ, phong trào cách mạng dâng cao tại ấp Kho Dầu, địch bố trí đồn bót, thường xuyên có một tiểu đội lính án ngữ để bảo vệ nhà đèn, nhưng đêm đêm tiếng mỏ tre vang dội nổi lên náo động, uy hiếp tinh thần địch.

Ngày 20/4/1961, đồng chí Phạm Văn Viết được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1963 đồng chí Phạm Văn Viết là chi ủy viên, Trưởng Công an xã Long Thuận, được phân công làm Bí thư ấp Kho Dầu, đồng chí tham gia trận chiến đấu “Đội mồ” tại gò mã đen. Theo kế hoạch ta tổ chức đắp mô cắm cờ Mặt trận nhằm dụ địch phá mô để quân ta phục kích tiêu diệt. Tham gia trận đánh này có đồng chí Lời, đồng chí Mười Ngàn, du kích Kho Dầu do đồng chí Năm Viết lãnh đạo. Tuy nhiên, kế hoạch bị lộ, địch lùng sục truy tìm, ta chỉ tiêu diệt một tên và nhiều tên bị thương. Trận “Đội mồ” không đạt yêu cầu nhưng đã toát lên tinh thần đấu tranh kiên cường của lực lượng du kích, dân quân ấp Kho Dầu do chi bộ Đảng lãnh đạo. Cuối năm 1963, du kích ấp Kho Dầu, du kích xã Long Thuận phối hợp với du kích xã Yên Luông, đơn vị đặc công của huyện phục kích tại ấp Long Phước đánh cháy 3 xe GMC của địch hằng ngày chở lính mở đường từ Gò Công đến Mỹ Tho. Trận đánh bất ngờ táo bạo làm cho địch hoang mang lo sợ, vì vậy chúng gấp rút xây dựng thêm đồn bốt ở các nơi trọng yếu, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tiến công quân sự, tăng cường hoạt động tuyên truyền, có lúc địch gây cho ta nhiều tổn thất. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Năm Viết vẫn bám chặt vào dân, không để trốc địa bàn, quyết tâm xây dựng lực lượng tại chỗ phát triển cơ sở mật trong lòng địch.

Năm 1964, Huyện ủy quyết định rút đồng chí Năm Viết về Ban An ninh Huyện đóng tại rừng Ông Kim (Phú Thạnh Đông). Khi qua sông Cửa tiểu, ghe chở đồng chí bị thuyền địch phát hiện và bắt giữ, chúng giam đồng chí ở trại giam Mỹ Tho 45 ngày để khai thác nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Sau đó chúng chuyển đồng chí về nhà lao Chí Hòa để tiếp tục khai thác nhưng đành bất lực, mặc dù chúng nắm rõ đồng chí là đảng viên, là một trong những người lãnh đạo của xã Long Thuận.

 Đầu năm 1965 địch đày đồng chí ra nhà tù Côn Đảo, nói đến nhà tù Côn Đảo đó là “địa ngục trần gian” nào là: hầm xay lúa, đập đá, cầu Ma Thiên Lãnh, chuồng bò, chuồng cọp,… Ra Côn Đảo, chúng giam đồng chí tại phòng 7 (trại giam Phú Hải) có khoảng 50 người bị cùm chân, thường xuyên bị rải vôi bột, dội nước, làm cho tù nhân bị lở loét. Âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và tay sai là hủy diệt thể xác và tinh thần của chiến sĩ cách mạng, chúng hành hạ tra tấn giết chết càng nhiều, càng tốt và làm cho những người còn sống sót trở về sẽ không còn sức khỏe để tiếp tục chiến đấu. Mặc dù địch hết sức dã man tàn bạo nhưng những người chiến sĩ cách mạng vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng kiên trung, bất khuất trước kẻ thù, giữ vững niềm tin vào ngày thắng lợi.

Đầu năm 1971, tù nhân ở phòng 7 trại giam Phú Hải vì chưa được củng cố nên bị địch đày đi đập đá. Đến giữa năm 1971, một số tù nhân từ nơi khác chuyển đến, số tù nhân cũ và mới móc nối nhau, củng cố lực lượng và đề ra kế hoạch đấu tranh, biết rằng trong đấu tranh chấp nhận sự hy sinh mất mát, nhưng anh em vẫn cử đại diện ra yêu sách không đi đập đá. Địch trả lời rằng không đi đập đá thì chúng không cho ăn. Sáng hôm đó, chúng không cho đem lương thực, thực phẩm đến, chiều lại thấy địch vẫn không cho ăn, tù nhân tuyên bố tuyệt thực đòi giám thị đến giải quyết. Cuộc tuyệt thực xảy ra rất gay go, địch vừa đe dọa vừa lung lạc tinh thần nhưng tù nhân vẫn kiên quyết đấu tranh. Đến ngày thứ 8 có một số tù nhân bị ngất, số còn lại vẫn kiên cường đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Cùng ngày, chúng chấp nhận yêu sách của tù nhân như không bắt tù nhân lao động khổ sai đập đá vì sức khỏe bị kiệt quệ, không được phạt vạ bỏ đói tù nhân, cuộc đấu tranh thu được thắng lợi.

Đầu năm 1973 Hiệp định Pa-ri được ký kết, đồng chí Phạm Văn Viết được trao trả tại Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước)và được đưa đi an dưỡng ở miền Bắc. Sau gần 8 năm bị tù đày ở nhà lao Côn Đảo, điều trăn trở của đồng chí là kẻ thù vẫn còn tồn tại ở miền Nam, bắn giết những người vô tội, dù Hiệp định Pa-ri đã được ký kết. Đầu năm 1974 đồng chí trở về miền Nam để tiếp tục chiến đấu giải phóng miền Nam, đồng chí được phân công vào Ban An ninh Tỉnh ủy Gò Công, lập nhiều chiến công đến ngày giải phóng thống nhất đất nước. Sau ngày giải phóng, đồng chí giữ nhiều chức vụ quan trọng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ngành an ninh. Đến năm 1984, đồng chí nghỉ hưu và tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Đồng chí mất năm 2010, được Đảng trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, sự qua đời của đồng chí là một mất mát lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Long Chánh.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập269
  • Máy chủ tìm kiếm55
  • Khách viếng thăm214
  • Hôm nay102,508
  • Tháng hiện tại231,505
  • Tổng lượt truy cập44,046,210
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây