Trung kiên, bất khuất

Thứ hai - 02/12/2024 20:12
Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước từ khi có Đảng lãnh đạo đã ghi dấu đậm nét biết bao chiến công oanh liệt, sự hy sinh cao cả của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Những chiến công ấy thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần trung kiên, bất khuất của nhân dân ta, người chiến sĩ cách mạng trước quân thù. Câu chuyện thuật lại dưới đây của cựu tù kháng chiến Lê Thành Chiến, sinh năm 1946, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông cho thấy rõ hơn nét đẹp truyền thống đó.
Đồng chí Lê Thành Chiến bị địch bắt vào ngày 02/8/1968 trên đường đi công tác tại khu vực xã Bình Phú, quận Hòa Đồng (nay là huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Khi bị bắt, đồng chí Chiến biết mình đã rơi vào tay“bọn thú dữ” và ngay lập tức chúng hùng hổ, xông vào dùng báng súng và cây đánh liên tiếp vào người, chúng đánh bất kể, bất chấp sống hay chết,… Sau một hồi như thỏa cơn “say máu”, chúng chuyển sang trấn nước; chúng nhấn đầu đồng chí Chiến xuống nước liên tục làm đồng chí phải thở dốc liên tục, đứt quãng và có cảm giác như “gần đứt hơi”, trạng thái tinh thần chao đảo, hoa mắt,… Bọn chúng tra tấn như thế hòng làm cho đồng chí đau đớn cùng cực, không kiểm soát được suy nghĩ,… để khai báo thông tin cho chúng. Nhưng, đồng chí nhất quyết không khai!

Sau những đòn tra tấn tàn bạo, chúng chuyển sang “chiêu độc” là dụ dỗ, mua chuộc. Một lần nữa, chúng tiếp tục thất bại, có lẽ phần vì mất thể diện với quan thầy cấp trên và phần vì bực tức do đồng chí Chiến không khuất phục nên chúng đã nổi điên thật sự. Ngay lập tức, khẩu đại liên M60 chĩa thẳng về phía đồng chí Chiến với giọng:“Mày có khai không, thằng Việt cộng cứng đầu?”.

Một loạt đạn khô khốc vang lên. Đồng chí Chiến nhẩm tính đã có hàng chục viên đạn bay ra khỏi nòng và nghĩ chắc là sẽ đi gặp các đồng đội đã chiến đấu và hy sinh. Chợt bên tai đồng chí nghe tiếng quát lớn: “Đồ ngu, nó chết, sao điều tra”. Thì ra, trước khi tên lính bóp cò thì tên chỉ huy đã đẩy nòng súng sang hướng khác. Một mệnh lệnh ngắn gọn được đưa ra: “Giải về!”.

Chúng áp giải, đưa đồng chí Chiến về Tiểu khu Gò Công. Tại đây, có 2 tên cố vấn Mỹ đã chờ sẵn và chúng lập tức đưa đồng chí vào phòng điều tra, dùng điện để tra tấn. Đòn tra tấn này gây đau đớn vô cùng, nhưng đồng chí Chiến vẫn cắn răng chịu đựng. Vẫn chưa moi được thông tin, chúng tiếp tục trói lại và bỏ vào thùng phuy làm bằng sắt bên trong có chứa nước, chúng nhấn đồng chí xuống nước và dùng dùi cui đánh vào thùng phuy, gây đau nhức đến tận óc,… chúng lôi lên rồi nhận xuống,… đánh tiếp,… cứ thế liên tục và đồng chí Chiến ngất xỉu. Sau đó, chúng xốc dậy và lôi đi, bỏ vào phòng giam. Trong phòng giam, do cơ thể đau nhức, không đi được, đồng chí chỉ có bò lết, đến khi mệt quá, cũng không nằm được mà chỉ ngồi dựa lưng vào tường suốt hơn một tuần lễ.

Hơn 4 tháng “tại ngũ” ở khám Gò Công, ngày 19/12/1968, chúng đày đồng chí Chiến đến nhà giam Vùng 4 chiến thuật Bình Thủy, Cần Thơ. Tết năm đó, trong nhà giam, tất cả tù nhân tổ chức đón Tết bằng những bài ca đoàn kết để động viên tinh thần lẫn nhau. Bọn địch hay được, liền đưa quân cảnh vào đàn áp, tù nhân kéo nhau ra sân để đấu tranh đòi yêu sách. Mọi người đồng thanh hô khẩu hiệu: “Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, phải cho anh em tù được vui chơi trong 3 ngày tết”. Cuộc đấu tranh rất gay go và quyết liệt, cuối cùng chúng đành phải chấp thuận.

Ở Cần Thơ được 5 tháng, đến ngày 27/5/1969, chúng tiếp tục đày 200 tù binh ra đảo Phú Quốc, trong đó có đồng chí Chiến. Lúc giải đi, chúng trói tay hai người liên kết lại bằng sợi thép nhỏ nhưng cứng và sắc bén. Khi máy bay vừa đáp xuống sân bay Phú Quốc, lính quân cảnh đã xếp thành hai hàng dọc, đứng chờ sẵn với dùi cui, roi mây, roi đuôi cá đuối trên tay. Tù nhân bị chúng ép đi vào giữa hai hàng lính ngụy và ngay lập tức, chúng thi nhau đánh như mưa vào bất cứ nơi đâu trên thân thể người tù. Tù nhân nào chạy nhanh thì bị đánh ít, ai chạy chậm thì bị đánh nhiều.

Qua xong “ải” đầu tiên với đòn roi phủ đầu như là một lời cảnh cáo cho tinh thần đấu tranh của người tù, chúng tiếp tục đưa tù nhân lên xe đưa về nơi chúng gọi là “Ban điều hành” để làm thủ tục nhập trại và phân chia các khu, khi lên xuống xe đều bị đánh đập như lúc xuống sân bay. Chúng giải tù nhân đến phân khu D6 và khi vào thì chúng bắt phải cởi áo, mặc quần đùi, bắt thụt dầu, hít đất và không quên hăm dọa: “Tụi bây đến đây là nơi địa ngục trần gian, là nơi chôn thây tụi bây”. Khi vào đến phòng giam, chúng bắt tù nhân phải nằm ngủ dưới đất mà không phát bất cứ vật dụng gì; đến khi ăn thì chỉ có cá chết ươn, toàn xương không có thịt,… Trong thời gian ở nhà tù Phú Quốc, chúng luôn tra tấn, đánh đập tù nhân một cách tàn nhẫn, số tù nhân quyết liệt đấu tranh, chống đối thì chúng bắt ra phơi nắng liên tục trong 2 ngày, hết nằm ngửa rồi lại nằm sấp và ác độc hơn là chúng mang giày “botte de sault” (bốt đờ xô - giày lính có đế rất cứng) đi trên mình người này sang người khác làm cho khắp thân thể người tù bỏng rát, đau đớn, bầm tím, in hằn dấu giày như con tắc kè bông.

Chỉ trong năm 1969, chúng đã chuyển đồng chí Chiến đi giam giữ ở rất nhiều khu như: D.6, A.6, B.2, B.1, D.3, D.9,... Sang năm 1970, chúng chuyển đồng chí trở lại khu B.2. Lúc này, Chi bộ Đảng của khu B.2 phân công đồng chí Chiến làm Phân đoàn trưởng liên tỉnh; đồng thời, cùng tù nhân làm nhiệm vụ giết tên trật tự ác ôn, nhưng không thành. Vì theo kế hoạch là lực lượng ta sẽ lấy ngày 22/12 (ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam) là thời gian tiến hành hoạt động, nhưng mới đến ngày 19/12 thì địch cho xáo trộn tù binh và cả bọn trật tự để đưa vào khu B.1; đồng thời, chúng cũng gom các tên trật tự từ những nơi khác về để thành lập khu Tân sinh hoạt (khu chiêu hồi). Thế là nhiệm vụ chuyển hướng sang đấu tranh chống thành lập khu Tân sinh hoạt, tù nhân đã đấu tranh liên tiếp 14 ngày, chúng dùng biện pháp dụ dỗ, dọa nạt,… nhưng không đạt được ý đồ, chúng liền cho bọn trật tự đánh tù nhân rất tàn nhẫn, dã man.

Cuộc đấu tranh cứ thế kéo dài đến ngày 04/01/1971, chúng đưa đồng chí Chiến cùng một số tù nhân khác đến giam ở phân khu D.3. Được khoảng 3 tuần, tổ chức phân công đồng chí Chiến làm Phó Bí thư chi đoàn. Đồng chí đã hết sức phấn đấu và quyết tâm xây dựng chi đoàn, động viên giáo dục thanh niên trong lao tù đoàn kết đấu tranh chống mọi âm mưu của kẻ địch, dù có khó khăn, gian khổ như thế nào cũng quyết tâm vượt qua.

Thời gian đến nay đã lâu, nhưng đồng chí Chiến vẫn còn nhớ rõ lần đấu tranh tuyệt thực dài nhất là ngày 23/9/1971 khi chúng bắt hơn 20 tù nhân làm tạp dịch, nhổ cỏ trong hàng rào dây thép xung quanh trại. Đồng chí Chiến cùng tham gia lãnh đạo thanh niên nhất quyết đấu tranh không làm. Để đối phó, chúng cho lính quân cảnh và giám thị vào đánh đập tù nhân rất dã man, sau đó, chúng nhốt những ai đã trực tiếp đấu tranh vào chuồng cọp. Ngay lập tức, các tù nhân trong trại khu D.3 kéo ra sân đấu tranh đòi chúng thả các tù nhân bị nhốt trong chuồng cọp. Chúng không giải quyết, các tù nhân lại kéo về phòng tuyệt thực đòi chúng phải giải quyết theo yêu sách đã đề ra. Cuộc đấu tranh kéo dài đến ngày thứ 5, 6,… rồi thứ 10 nhưng chúng cũng không giải quyết. Trước đó, chúng tổ chức đưa 4 tên chiêu hồi vào làm “tai mắt” (bọn này được đưa từ trại giam Biên Hòa ra đảo) để báo cáo tình hình đấu tranh cho chúng. Chi bộ tổ chức cử người đến giáo dục, cảnh cáo các tên này. Kết quả là 2 tên đã tháo chạy, còn lại 2 tên ngoan cố. Cuộc đấu tranh kéo dài đến ngày thứ 12, thì có lệnh từ Đảng ủy nhà tù là tiêu diệt 2 tên còn lại, tù nhân tổ chức thi hành, rồi báo với chúng là 2 tên đó bị đói quá nên đã chết. Chúng bắt tù nhân phải đem xác 2 tên đó ra, ta không đem, chúng đưa lực lượng quân cảnh vào đàn áp, ta bắt sống 1 quân cảnh. Chúng phát loa kêu ta thả ra, tù nhân đáp rằng khi nào giải quyết xong yêu sách thì mới thả. Chúng điều tiểu đoàn quân cảnh đến bao vây xung quanh trại. Mãi đến ngày thứ 14, chúng mới giải quyết những điều kiện yêu sách của ta. Kể từ đó, đồng chí Chiến và tù nhân trong trại giam mới được yên ổn.

Sang năm 1972, chúng tăng cường đưa “tai mắt” vào trại để tìm cách điều tra và đưa số tù nhân là cán bộ cấp cao đi biệt giam cùng với thủ đoạn tiếp tục đàn áp, đánh đập. Do đó, trong năm này, đồng chí Chiến cùng với tù nhân trong trại giam tổ chức nhiều cuộc đấu tranh tuyệt thực với thời gian lâu nhất là 8 ngày, còn đa phần là “những cuộc chiến đấu chống càn” chỉ từ 1 đến 2 ngày để đòi những yêu sách chính đáng. Cuối cùng, bọn địch phải chấp thuận và giải quyết theo các điều kiện do tù nhân đưa ra. Tất cả các cuộc đấu tranh này đều có sự lãnh đạo chặt chẽ của tổ chức đảng trong nhà tù và tù nhân rất đoàn kết, trung thành với Đảng, kiên quyết đấu tranh bằng mọi hình thức với kẻ thù. Đến ngày 16/3/1973, đồng chí Chiến và nhiều tù nhân khác được trao trả tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Mọi người rất vinh dự được phong tặng là đoàn quân chiến thắng trở về với 4 chữ: “Trung kiên, bất khuất”.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập384
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm355
  • Hôm nay83,307
  • Tháng hiện tại2,667,860
  • Tổng lượt truy cập43,463,839
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây