Cô Trần Thị Nga, sinh năm 1944, tại ấp Hộ, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông đã tham gia cách mạng và bị bắt tù đày, đánh đập dã man nhưng vẫn một lòng kiên trung, quyết theo Đảng, vì Nhân dân, tin tưởng vào ngày cách mạng thắng lợi.
Xã Tân Điền có nhiều chiến công vang dội của các phong trào yêu nước trước khi có Đảng, đặc biệt là qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Làng Tân Bình Điền xưa và xã Tân Điền ngày nay là một vùng đất bằng phẳng và trống trải, không có vườn cây, lũy tre hay đồi núi để lợi dụng địa hình làm địa bàn căn cứ cho các sĩ phu yêu nước trước đây và cho hai cuộc kháng chiến trong giai đoạn có Đảng. Ấy vậy mà, Tân Điền vẫn là căn cứ, là bàn đạp để tấn công quân thù, bảo tồn lực lượng. Người dân Tân Điền không đông nhưng nhờ có sự đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau trong khai hoang lập ấp trước kia và xây dựng khối đại đoàn kết trong thời đại Bác Hồ, nên có sức cổ vũ và lan tỏa. Xuất phát từ truyền thống hào hùng của địa phương, chứng kiến cảnh đàn áp, bóc lột của chế độ Mỹ - ngụy nên bản thân cô Trần Thị Nga sớm giác ngộ cách mạng.
Quá trình tham gia cách mạng và những tháng ngày mang thai trong nhà tù của địch
Năm 1962, cô Nga thoát ly gia đình tham gia cách mạng, công tác tại Đại đội C548 Đồng Tháp với nhiệm vụ quân y cứu thương, tải thương bộ đội chiến đấu. Đến năm 1964, do bị bệnh sốt rét nặng, Cô được cấp trên cho phép về quê chữa trị bệnh. Lúc ấy, Tân Điền là vùng giải phóng. Sau khi hết bệnh, Cô tiếp tục công tác tại địa phương.
Năm 1965, được lãnh đạo chấp thuận, Cô kết hôn cùng chú Lê Quang Long, là cán bộ tài chính xã Bình Ân (nay thuộc huyện Gò Công Đông). Hai vợ chồng cô chú tiếp tục công tác và luôn hoàn thành nhiệm vụ. Đến giữa năm 1966, một niềm vui lớn đến với hai vợ chồng là Cô mang thai đứa con đầu lòng. Đó là kết quả tình yêu của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng, niềm vui ấy chẳng được bao lâu. Cô còn nhớ rõ như in, một ngày giữa tháng 6/1966, Mỹ-ngụy bố ráp, càn quét bằng lính bộ binh có xe bọc thép và máy bay trực thăng yểm trợ. Bọn chúng vừa bắn phá, vừa đốt nhà, gom dân lập ấp chiến lược; đưa bọn Việt gian, mật báo, chiêu hồi chỉ điểm bắt vợ con, cha mẹ gia đình cán bộ cách mạng; bắt bớ, tra tấn, khủng bố, rúng ép tinh thần của những người có thân nhân tham gia cách mạng nhằm buộc họ kêu gọi người thân ra chiêu hồi. Lúc ấy, Cô và một số chị em bị bọn chiêu hồi chỉ điểm và bị địch bắt vào nhà giam. Tại đây, mặc dù biết Cô đang mang thai, nhưng chúng mặc kệ, tra tấn Cô rất dã man, bỏ đói, trấn nước, chích điện, dùng mọi cực hình để khai thác và khuyến dụ kêu gọi chồng ra đầu thú, chiêu hồi, làm tay sai cho chúng. Cô cắn răng chịu đựng, bị hành hạ đến xuất huyết bào thai, chết đi sống lại nhiều lần. Cô bị mê man mấy ngày liền, tưởng chừng không giữ được thai nhi, đau đớn thể xác, suy sụp tinh thần, bệnh cũ tái phát, quá khổ cực và đau đớn. Trong thời gian đó, Cô được các mẹ, các chị trong tù chăm sóc, động viên và Cô đã vượt qua, giữ vững khí tiết của người cách mạng. Cô nghĩ rằng, tình yêu thương, đoàn kết là sức mạnh giúp con người vượt qua tất cả. Các mẹ, các chị em trong tù là chỗ dựa vững chắc để Cô vượt qua khó khăn, gian khổ và mạnh mẽ về tinh thần, giữ vững lập trường, kiên định lý tưởng. Dù trong hoàn cảnh tù đày, đòn roi, tra tấn, thậm chí có cả cám dỗ, nhưng Cô quyết vượt qua, Cô phải sống để bảo vệ con và hạnh phúc gia đình, tiếp tục đấu tranh cho đất nước được thống nhất, hòa bình. Bọn cai ngục đã tra tấn, xét hỏi bằng mọi cách, nhưng không moi được tin tức nào từ Cô, chỉ biết Cô là vợ của cán bộ cách mạng.
Đứa trẻ vừa chào đời đã đội khăn tang
Vào khoảng 10 giờ ngày 04/5/1967, Cô chuyển dạ, được chị em trong trại báo cai ngục và được đưa vào nhà thương có lính canh gác suốt ngày đêm. Cô được gia đình thăm nuôi, chăm sóc. Niềm vui mẹ tròn con vuông chưa được trọn vẹn thì gia đình báo tin chồng Cô đã hy sinh một ngày trước đó do chiêu hồi, biệt kích chỉ điểm. Chú Long và đồng chí Phủ, sau khi tiêu hủy hết giấy tờ, tài liệu, đã bung nắp hầm, ném lựu đạn vào bọn địch để chạy thoát thân. Nhưng, chúng phục kích sẵn nên chú Long và đồng chí Phủ hy sinh lúc 5 giờ sáng ngày 03/5/1967. Con mới chào đời phải mang tang cha. Chúng đưa cô Nga trở lại trại giam với đứa con thơ còn đỏ hỏn trên đầu chít mảnh khăn tang. Trên đời này, có đau đớn nào hơn? Chị em trong tù xúm lại an ủi và chăm sóc mẹ con Cô. Tất cả đều nhận là mẹ nuôi của bé Lê Quang Châu, sinh ngày 04/5/1967 sau khi cha hy sinh một ngày. Cháu bé được chị em cùng nuôi dưỡng, chăm sóc, yêu thương như con ruột.
Tháng 3/1968, địch không khai thác được tin tức gì ở cô Nga, nên chúng thả Cô ra. Cô trở về sống với cha mẹ, nuôi con thờ chồng và tiếp tục tham gia giao liên, tiếp tế, nuôi giấu cán bộ đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).