Khí tiết của người chiến sĩ cách mạng trong nhà tù của địch

Thứ tư - 25/12/2024 19:27
Ông Cao Văn Của sinh năm 1942, tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang (trước là tỉnh Mỹ Tho), trong một gia đình làm nông, đông anh, chị, em, có truyền thống cách mạng, chống giặc ngoại xâm, ông có 2 người anh trai hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và 2 người anh trai hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông tham gia cách mạng năm 1960 và bị bọn chiêu hồi dẫn biệt kích bắt ngày 19/12/1969 khi đang dưỡng thương và ẩn nấp ở hầm trú ẩn tại nhà. Bọn chúng giam ông ở nhiều nơi khác nhau và bị nhiều trận đòn tra tấn nhưng ông vẫn một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng.

Sau khi bắt, chúng giam ông tại Trại giam Gò Công 15 ngày thì chuyển ông về Khám đường Mỹ Tho. Trong thời gian bị giam, bọn chúng không cho gia đình thăm nuôi, mỗi bữa ăn chỉ cho ăn gạo lứt xen lẫn với thóc. Trong thời gian bị giam ở Mỹ Tho, có thành lập tổ Đảng, gồm có ba người: ông (Cao Văn Của), đồng chí Huỳnh Văn Bé (An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo), đồng chí Huỳnh Văn Phát (Bình Ninh, huyện Chợ Gạo), do ông làm tổ trưởng. Trong trại giam, các đồng chí thường xuyên bị địch tra tấn, đánh đập bằng roi điện, gậy, dùi cui,… nhằm buộc tù nhân phải thực hiện nội quy, như chào cờ ngụy, xé cờ Đảng của ta; nhưng các đồng chí đấu tranh kiên quyết không thực hiện. Mỗi lần như thế thì bọn chúng lại đánh đập, tra tấn tù nhân rất dã man. Khẩu hiệu của bọn chúng trong trại giam là “không có thì đánh cho có, có thì đánh cho chừa”. Ngoài nhiệm vụ chỉ đạo tù nhân đấu tranh, động viên, giáo dục lý tưởng cách mạng, giữ vững khí tiết, tổ Đảng còn đòi địch phải cung cấp báo chí hàng ngày; để thông qua đó, tù nhân theo dõi tình hình chiến sự và tin tức ở bên ngoài để có hình thức đấu tranh phù hợp.

Bị giam khoảng 2 năm, ông bị bọn chúng chuyển đến Nhà tù Tân Hiệp, Biên Hòa. Tại đây, ông bị giam ở Trại 1, cùng với đồng chí Đồ quê ở Quảng Nam và 17 sinh viên, như Lê Văn Sao, Mai Khiên, Đinh Việt Hưng, Đoàn Khắc Xuyên, Tăng Quang Tuyền, Nguyễn Văn Năm,… Ở Nhà tù Tân Hiệp, bọn chúng vẫn buộc tù nhân thực hiện nội quy là chào cờ ngụy và xé cờ Đảng, nhưng ông và các sinh viên chống lại, không thực hiện thì giám thị phản ứng bằng cách tiếp tục đánh đập tù nhân và đưa ra tòa án xử lưu động. Lúc đầu, chúng bắt Lê Văn Sao, Mai Khiên tống giam vào xà lim; số tù nhân còn lại trong phòng giam không thấy hai anh về nên vận động nhau lấy giấy làm loa, đòi địch phải trả người. Bọn chúng chẳng những không trả mà còn đem một đại đội cảnh sát dã chiến đến đàn áp, bắt tất cả những người còn lại đưa vào phòng biệt giam tra tấn.

Trong thời gian đó, địch mang 300 tù chính trị từ Nhà tù Côn Đảo về Nhà tù Tân Hiệp, Biên Hòa để thực hiện nội quy là chào cờ ngụy và xé cờ Đảng. Bọn chúng dụ dỗ và hứa hẹn, nếu thực hiện thì sẽ trả tự do ngay tức khắc. Nhưng 300 người này kiên quyết không thực hiện nội quy. Qua 2 ngày đấu tranh, âm mưu thâm độc bị thất bại, bọn chúng đưa 300 tù chính trị trở ra Côn Đảo. Lần này có thêm một số tù chính trị ở Nhà tù Tân Hiệp, trong đó có ông và 17 sinh viên, cũng bị đày ra Côn Đảo. Trong thời gian trước khi bị đày ra Côn Đảo, anh em sinh viên sợ gia đình không biết, ông bày cho các sinh viên viết dòng chữ “bọn chúng đày chúng tôi ra Côn Đảo” lên giấy hút thuốc để khi nào đến Sài Gòn thì rải xuống đường, báo tin cho quần chúng nhân dân biết.

Khi đến cầu tàu của Nhà tù Côn Đảo, tù chính trị bị bọn địch răn đe và đánh phủ đầu uy hiếp nhằm làm nhụt chí tinh thần đấu tranh của tù nhân. Tại đây, ông bị giam ở Trại VIII gồm 100 người, cấp cho một người một chiếc chiếu trải dưới đất để nằm, trong trại thì đầy muỗi, rệp, mỗi người được cấp một bộ đồ có màu đèn cầy (nến), nhưng tù nhân nhất quyết không mặc mà mặc đồ của mình đem theo, khi áo, quần rách thì áo, quần của người rách ít xé bớt cho người rách nhiều để vá, nên áo quần của người nào cũng có vài chục loại vải khác nhau. Tù nhân ăn cơm bằng gạo lứt, một ngày ăn 2 cử, một cử ăn một chén cơm với muối hột đen. Tù nhân phải đấu tranh “yêu cầu nhà cầm quyền Côn Đảo cho tù nhân ăn rau xanh”; nhưng bọn quản đốc nhà tù không giải quyết. Vì thế, tù nhân đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực. Trong cuộc đấu tranh đó, có một số tù nhân lớn tuổi kiệt sức, nằm la liệt, thậm chí có người hi sinh. Sau đó, chúng mới giải quyết cho tù nhân ăn rau xanh, một tháng chỉ ăn được một ngày.

Ngoài ra, tù nhân còn đấu tranh đòi nhà tù cho viết thư gửi về gia đình và được nhà tù đồng ý; nhưng “nơi gửi” trên bì thư phải ghi là “Trại cải huấn Côn Sơn” (tên Côn Sơn là do địch gọi). Tù nhân không đồng ý, tiếp tục đấu tranh là phải ghi “Nhà tù Côn Sơn”. Trong trại giam không có ánh nắng, tù nhân đấu tranh đòi được tắm nắng. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của tù nhân, bọn chúng phải giải quyết một ngày cho tắm nắng 1 lần khoảng 15 phút.

Trước việc tù nhân chống nội quy và bị đày ra đảo ngày càng nhiều, bọn chúng tăng cường đàn áp và tra tấn, như: đem tù nhân ra phơi nắng khi trời nắng gắt, còn những tù nhân bị giam ở chuồng cọp, vào mùa lạnh, bọn chúng dùng nước đổ từ trên xuống làm cho người tù rét run, không thể nào ngủ được; vào mùa nóng nực thì bọn chúng dùng vôi bột rải xuống khiến cho tù nhân bị lở loét toàn thân. Tù nhân ở chuồng cọp chịu đựng muôn vàn khó khăn, thách thức và gian khổ; nhưng vẫn bình tĩnh, kiên trì chiến đấu, giữ vững ngọn cờ, bảo vệ khí tiết, đấu tranh phản đối cầm cố, nhốt chật; chống đổ nước vào mùa lạnh, đổ vôi bột vào mùa nắng,…

Do tù nhân đấu tranh quyết liệt nên địch có giải quyết phần nào yêu sách như chúng lấy vài ô lộ thiên trước các dãy chuồng cọp đang làm nơi đổ phân cầu tiêu, sửa sang lại, lợp mái tôn (tole), nền tráng xi măng, làm phòng giam tù và một phòng bệnh xá. Tuy chỉ làm hình thức nhưng tù nhân được ra nằm ở đây cũng dễ thở hơn khi bị nhốt trong chuồng cọp, có ít thuốc men chữa các bệnh cấp cứu.

Có lần, chúng bắt tù nhân xếp hàng để thực hiện nội quy, như bắt chào cờ ngụy, xé cờ Đảng, bước và đạp lên cờ Đảng. Tuy nhiên, tất cả tù nhân đều chống lại, không thực hiện, có người dùng tay ôm cờ Đảng lên hôn, choàng trên đầu. Thấy vậy, địch điên cuồng đàn áp, đánh đập tù nhân rất tàn bạo. Tháng 9/1969, sau khi Bác Hồ mất, ông và các tù chính trị trong phòng giam xúc động, mọi người tưởng niệm và đọc những bài thơ ca ngợi công lao to lớn của Bác đối với đất nước và dân tộc bằng hình thức truyền miệng. Năm 1973, trong đợt địch cưỡng bức tù nhân chụp hình, lăn tay chuyển án, nhiều tù nhân chống lại quyết liệt bằng cách nhắm mắt, há miệng, lấy tay cà xuống xi măng khi bọn chúng chụp hình và lăn tay. Vì thế, mọi người bị chúng đánh đập rất nặng nề. Khi đón Tết Quý Sửu năm 1973, ngày mùng một Tết, tù chính trị mặc quần áo chỉnh tề, đứng nghiêm trang chào cờ (cờ chỉ tưởng tượng chứ không có cờ) và hát bài “Giải phóng miền Nam”. Giữa thời khắc thiêng liêng đó, bọn chúng dùng phân tạt vào phòng; tù nhân hô khẩu hiệu phản đối, 3 ngày sau chúng mới cho dọn vệ sinh.

Tuy bị giam cầm và bị tra tấn, hành hạ, nhưng ông Cao Văn Của và mọi người trong trại giam của nhà tù Côn Đảo không hề khuất phục, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin cách mạng sẽ thắng lợi, trong lòng mọi người ai cũng muốn vượt ra ngoài, tham gia cách mạng để chiến đấu, đánh đuổi bọn cướp nước và bè lũ tay sai bán nước. Đến cuối năm 1973, địch chuyển ông từ Nhà tù Côn Đảo về Nhà tù Hố Nai, Biên Hòa. Đầu năm 1974, theo nội dung của Hiệp định Pa-ri (27/01/1973), ông được trao trả ở Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Ông được tổ chức đưa đi an dưỡng tại Lộc Ninh ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Đoàn 210. Sau đó, Tỉnh đội rước về ở Đoàn 652, rồi sau về Tiểu đoàn 514C độ hai tháng thì rút về Tỉnh đội Mỹ Tho làm trợ lý tác chiến ở Phòng tham mưu. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), ông chuyển ngành, làm Giám đốc Xí nghiệp nước đá rồi Phó Giám đốc Công ty thủy sản huyện Gò Công Đông, đến năm 1991 thì nghỉ hưu. Hiện nay, tuy đã lớn tuổi, nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác, đảm nhiệm chức vụ Thường trực Ban Liên lạc cựu tù kháng chiến huyện Gò Công Đông.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập195
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm187
  • Hôm nay38,016
  • Tháng hiện tại329,150
  • Tổng lượt truy cập46,798,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây