Văn học trẻ đồng bằng trên hành trình đi tìm bản sắc riêng

Thứ sáu - 08/09/2017 19:27
Lần đầu tiên một buổi tọa đàm về văn học trẻ khu vực miền Tây Nam bộ được Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Hội Liên hiệp Văn học - nghệ thuật tỉnh An Giang tổ chức tại thành phố Châu Đốc ngày 13/8 vừa qua. Với chủ đề “Văn học trẻ đồng bằng sông Cửu Long, bản sắc và sáng tạo”, buổi tọa đàm đã thu hút đông đảo sự quan tâm theo dõi và những ý kiến chia sẻ của nhiều cây bút trẻ.
Đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.

Bám rễ trên vùng đất trẻ màu mỡ phù sa bốn mùa cây trái, văn học trẻ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang cùng cả nước làm nên bức tranh văn chương đa sắc của những người trẻ bằng bản sắc độc đáo của vùng đất và con người Nam bộ. Văn học trẻ ĐBSCL đang bắt nhịp hơi thở của cuộc sống đương đại, đa dạng và phong phú với rất nhiều dòng chảy khác nhau nhưng hầu hết tác phẩm của họ vẫn giữ được bản sắc vùng miền tạo nên nét đặc sắc riêng. Tuy nhiên, so với các địa phương khác trong cả nước, lực lượng viết văn trẻ ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn về mặt số lượng. Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của một vài cây bút trẻ như: Nguyễn Ngọc Tư, Võ Mạnh Hảo, Võ Diệu Thanh, Huỳnh Thúy Kiều, Lê Minh Nhựt… với những tác phẩm mang đậm dấu ấn sáng tạo đã đem đến cho văn học trẻ ĐBSCL nhiều dấu ấn trẻ trung, mới mẻ. Riêng An Giang được biết đến như một địa phương có lực lượng sáng tác trẻ đông đảo cùng nhiều hoạt động sôi nổi trên văn đàn của khu vực cũng như cả nước.

Nhà văn Mai Bửu Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - nghệ thuật tỉnh An Giang là người có nhiều tâm huyết đối với văn học trẻ, mở đầu buổi tọa đàm bằng những chia sẻ về kinh nghiệm phát hiện và bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ ở An Giang thời gian qua. Dành sự quan tâm đặc biệt cho lực lượng viết trẻ, Hội đã chủ động trong việc vận động thành lập các Câu lạc bộ Văn học trong nhà trường, tích cực phối hợp cùng Đại học An Giang và các trường THPT, THCS tổ chức nhiều buổi giao lưu nói chuyện sách, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, phát huy năng khiếu và khơi dậy đam mê sáng tác cho các em học sinh. Song song đó, để tìm kiếm và khích lệ tinh thần những cây bút trẻ, Hội duy trì phát động cuộc thi sáng tác thơ văn dành cho học sinh phổ thông mang tên “Giải thưởng Văn chương Thủ Khoa Nghĩa” đến nay đã tổ chức đến lần thứ 10. Mỗi lần tổ chức thi, thu hút hàng trăm học sinh đam mê văn chương với hàng ngàn bài dự thi gửi tham gia.

Đồng thời, Hội cũng đã có nhiều hoạt động nhằm kích thích, khuyến khích người sáng tác trẻ phát huy năng khiếu như tổ chức trại sáng tác văn học trẻ hàng năm, tổ chức những chuyến đi thực tế, giao lưu với sinh viên các trường đại học, các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, chọn tác phẩm có chất lượng của các bạn viết trẻ để in vào những tuyển tập thơ văn cũng như in riêng cho nhiều tác giả trẻ. Nhờ đó, hiện nay An Giang có một lực lượng sáng tác trẻ hùng hậu với sự tham gia thường xuyên của trên 70 tác giả trẻ (dưới 35 tuổi), trong đó có hơn phân nửa đã được kết nạp vào Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh. Nhiều tác giả trẻ viết rất sung sức, đoạt rất nhiều giải thưởng văn học, được nhiều bạn đọc trong và ngoài tỉnh biết đến như: Nguyễn Ngọc Đào Uyên, Trương Chí Hùng, Nguyễn Đức Phú Thọ, Hoàng Thị Trúc Ly, Vĩnh Thông, Lê Quang Trạng, Nguyễn Bàng, Trần Sang, Nghiêm Quốc Thanh…


Nhà thơ, dịch giả Thụy Anh (bìa phải) nói về bản sắc vùng miền trong văn chương

Cây bút trẻ Trương Trọng Nghĩa, người cách đây hơn 10 năm đã tổ chức cuộc thi thơ online trên website thotre.com cho rằng: “Các CLB Văn học, các diễn đàn văn học trên mạng internet chính là vườn ươm đầy triển vọng cho các phong trào sáng tác trẻ. Hội Nhà văn Việt Nam cũng như các Hội Văn học - nghệ thuật địa phương cần có sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều phía để phong trào có thể phát triển mạnh mẽ và đúng chất hơn”. Anh mong muốn các cây bút trẻ ĐBSCL sẽ phát huy được bản sắc văn hóa của vùng đất và con người Nam bộ trong những sáng tác của mình, biến nó thành điểm tựa để cất cánh bay lên từ vùng trũng của miệt đồng bằng.

Ý kiến này đã khơi màu cho những tranh luận sôi nổi về bản sắc vùng miền trong sáng tác của những cây bút trẻ hiện nay. Đến từ đất mũi Cà Mau, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng cá tính sáng tạo mới là yếu tố quyết định trong văn chương, còn ranh giới địa lý là thứ gì đó hết sức mong manh và bản thân chị không nghĩ quá nhiều đến nó khi viết. Theo chị: “Bản sắc văn hóa phải được thể hiện trong văn chương một cách tự nhiên chứ không nên cố tình gò mình vào một vùng đất nào đấy. Vì nếu không có tài năng và cá tính sáng tạo thì dù có cố gắng khai thác yếu tố bản sắc văn hóa đến đâu, cũng không thể trở thành “đặc sản” như trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư”. Việt Hà cho rằng: “Đối với một người viết, khi sách của họ được độc giả đón nhận, không phải phủi bụi trên giá sách đã là một sự thành công. Có một điều rất lạ đối với các tác giả trẻ ở miền Tây là khi ngồi lại với nhau họ thường ít đem chuyện văn chương ra trao đổi, và cứ thế họ cứ lặng lẽ viết, lặng lẽ in sách mà hầu như không ai chú ý đến việc tiếp thị, giới thiệu đứa con tinh thần của mình. Vì thế thật khó để đem số lượng sách phát hành ra để so sánh giữa những cây bút trẻ ở ĐBSCL với các thành phố lớn, khi mà mỗi cuốn sách ra đời luôn đi kèm với những chiến dịch quảng bá, truyền thông rầm rộ…”.

Tác giả của “Cô con gái ngỗ ngược”, nhà văn Võ Diệu Thanh cho rằng: “Vùng đất nơi mỗi người đang sống tự nó đã là chất liệu quý giá để các nhà văn khai thác bởi nó chính là tình cảm, là hơi thở cuộc sống… Hãy cứ viết về vùng đất mà mình quen thuộc. Điều làm nên khác biệt cho mỗi nhà văn chính là trí tưởng tượng, từ chất liệu sẵn có họ sẽ phát triển nó trở thành cái mà đôi mắt của những người không nhận ra được. Chính vì thế, trên nền tảng văn hóa của mỗi vùng đất hãy tạo ra một vùng đất riêng biệt trong văn chương, đó là điều cần làm nhất đối với mỗi người viết”.


Nhà văn Nguyễn Bình Phương phát biểu tại tọa đàm

Sinh năm 1996 và đã có những sáng tác trình làng từ năm còn học lớp 9, cây bút trẻ Lê Quang Trạng hiện đang là sinh viên Ngữ văn của Trường Đại học An Giang tiếp tục nêu ý kiến về bản sắc của những người viết trẻ hiện nay: “Hầu hết, những tác giả trẻ khi mới cầm bút đều chịu ảnh hưởng nhất định của tính vùng miền, của không gian văn hóa vùng sông nước Nam bộ. Với bản lĩnh của mình, tác giả sẽ phát huy tính sáng tạo cá nhân, cá tính để làm nên những tác phẩm lớn”. Lê Quang Trạng cho rằng để phát triển lực lượng viết trẻ, ngoài sự quan tâm, uốn nắn của các thế hệ nhà văn đi trước thì những cuộc thi, những dịp gặp gỡ giao lưu, những giải thưởng văn học cũng góp phần tạo nên động lực sáng tạo cho những người viết trẻ. Vì thế, nên chăng có một giải thưởng toàn quốc hoặc của khu vực ĐBSCL dành riêng cho những tác giả trẻ.

Cùng trang lứa với Lê Quang Trạng, tác giả trẻ Vĩnh Thông cho rằng ĐBSCL ngoài những đề tài quen thuộc thì hiện nay những vấn đề như công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng sự đổi thịt thay da của vùng đất và những trăn trở của giới trẻ cũng đang mở ra một hướng đi mới cho những người viết trẻ. Theo anh thì bản sắc của một vùng miền không phải bất biến mà nó sẽ thay đổi theo đời sống, theo thời gian. Chính vì thế quan trọng hơn cả là việc phát huy bản sắc của mỗi người trong việc phản ánh thời đại mà chúng ta đang sống. Điều này đòi hỏi tinh thần nhập cuộc của những người viết trẻ hôm nay để làm nên bản sắc riêng cho văn học ĐBSCL.

Với thời gian hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại Nga, nhà thơ - dịch giả Nguyễn Thụy Anh nhận định: “Bản sắc vùng miền, bản sắc văn chương là hai vấn đề khác biệt. Bản sắc vùng miền chính là yếu tố lôi cuốn độc giả, quan tâm tìm hiểu bản sắc văn chương của mỗi tác giả. Khi chạm đến cách ăn nói, cách sống, những đặc trưng văn hóa của một vùng đất nào đó thì nhà văn mới mang lại cho tôi những cảm nhận sâu sắc về những gì muốn gửi gắm đến độc giả. Mỗi nhà văn cần có một thế giới riêng của mình để lôi cuốn độc giả của mình vào đó…”.

Nhà văn Nguyễn Thu Phương đề cao: “Những chất liệu của vùng đất đồng bằng và bản sắc văn hóa đặc trưng là vốn quý của những người viết ĐBSCL, không chỉ là đối với những nhà văn trẻ mà cả những nhà văn đã thành danh. Chính những nét văn hóa vùng miền đã tạo nên bản sắc riêng trong ngòi bút của nhiều cây bút ở đồng bằng”. Đối với những bạn trẻ chọn con đường viết lách, theo nhà văn Nguyễn Thu Phương ngoài sự nỗ lực của bản thân cần có sự hỗ trợ, chia sẻ, hợp tác trong nghề nghiệp để có thể tiếp tục trên con đường văn chương vốn dĩ rất nhiều gian nan.

Tuổi thơ gắn bó với vùng đất Long An nhưng hiện nay đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tác giả Tiểu Quyên chia sẻ: “Vùng đất miền Tây Nam bộ luôn có sức hấp dẫn tôi với những chất liệu ngồn ngộn đầy quyến rũ, nhất là thân phận những người nông dân chân lấm tay bùn mà chắc rằng những cây viết trẻ sinh ra và lớn lên ở các vùng đô thị sẽ khó mà chạm đến được. Điều cần thiết của văn học trẻ hiện nay đó chính là sự dấn thân và chiêm nghiệm để đi đến sáng tạo”.

Nhà thơ trẻ Phan Duy (Bạc Liêu, hiện đang học và sinh hoạt văn chương tại Cần Thơ) chia sẻ, anh thường chọn những gì gần gũi, xung quanh mình để làm chất liệu thể hiện trên trang viết. Công việc sáng tạo bắt nguồn từ việc tiếp thu những điều mà anh thu thập, học hỏi được trong đời sống. Đối với những người viết trẻ, dấu ấn sáng tạo phải được bộc lộ qua cá tính, thể hiện được những cách nhìn mới của tác giả. Đó là một chặng đường dài, một quá trình bền bỉ cần thời gian dài để những cây bút trẻ dấn thân sáng tạo và kiểm chứng lòng đam mê, tình yêu đối với văn chương.

Nhà văn Thu Trân cho biết lâu nay chị không phân biệt nhà văn trẻ hay già mà chỉ có người viết văn “chín hay không chín” và khả năng thẩm thấu, khả năng sáng tạo của mỗi người. Cái thiếu của văn trẻ hiện nay theo nhà văn Thu Trân đó là chúng ta chưa có một con đường để “xốc dậy” lực lượng này. Nhiều bạn trẻ viết rất hay nhưng không được “xốc dậy” nên họ cứ bôn ba rồi chìm dần rồi mất hút theo vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống. Từng là thành viên trong Ban văn trẻ của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, nhà văn Thu Trân mong muốn các hội đoàn, báo chí… hãy chăm sóc và tạo điều kiện “xốc dậy” lực lượng viết trẻ, cần có thêm nhiều hội nghị, nhiều trại viết, nhiều chuyến đi thực tế… để nhen lên tình yêu văn chương, tạo động lực cho những cây bút trẻ.

Trăn trở về lực lượng viết lý luận – phê bình hiện nay, tác giả Trương Chí Hùng hiện là giảng viên Trường Đại học An Giang cho rằng những người trẻ viết lý luận – phê bình ở ĐBSCL hiện nay còn rất khiêm tốn về số lượng và hầu như không có được tiếng nói riêng trong đời sống văn học trẻ hiện nay. Các cây bút lý luận – phê bình trẻ nhìn chung vẫn còn khép mình trong khuôn khổ của phê bình văn học trong nhà trường, nên thiếu đi sự bứt phá, cũng như không chạm được vào đời sống văn chương thực thụ. Đây là công tác mà các Hội cần quan tâm, hướng đến trong thời gian tới để văn học trẻ đồng bằng có một diện mạo toàn diện hơn ở cả lĩnh vực sáng tác lẫn phê bình.

Kết thúc buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát biểu ghi nhận những ý kiến cũng như những đề xuất của các tác giả trẻ tại buổi tọa đàm, đồng thời cho biết hiện nay Hội Nhà văn Việt Nam luôn có sự quan tâm, theo dõi để kịp thời động viên, khích lệ lực lượng viết văn trẻ trên cả nước. Tâm sự với những tác giả trẻ, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ: “Khi đã bước chân vào văn chương, mỗi người cần phải nghĩ về con đường của mình. Muốn đi hết con đường, trở thành một nhà văn thực thụ thì không có gì khác hơn ngoài việc nỗ lực hết mình cho công việc viết lách. Văn học đồng bằng có được ưu điểm là sự hồn hậu, trong sáng, rất tình cảm nhưng lại có yếu khuyết là tính tài tử và thiếu sự quyết liệt. Tính chất, đặc trưng của vùng miền thì ai cũng có thể khai thác được nhưng đằng sau đó là thông điệp gì cho đời sống, cho văn chương”. Đó là câu hỏi mà nhà văn Nguyễn Bình Phương muốn mỗi người viết trẻ phải tìm thấy riêng cho mình đáp án. Đồng thời, anh cũng nhấn mạnh đến tính mục đích và sự dày công trong nghề để có thể tiến xa hơn trên con đường văn chương, để hòa mình vào dòng chảy chung của văn chương cả nước.

Buổi tọa đàm “Văn học trẻ Đồng bằng sông Cửu Long, bản sắc và sáng tạo” khép lại nhưng đồng thời cũng gợi mở ra những hướng đi mới, những cách nhìn mới về đội ngũ cũng như diện mạo của những người viết văn trẻ ở đồng bằng hiện nay. Mặc dù có những quan niệm khác nhau và mỗi người viết có quyền chọn lựa cho mình một lối đi riêng song mục đích cuối cùng vẫn là những tác phẩm văn chương đích thực. Một vùng đồng bằng rộng lớn với nhiều tiềm năng phát triển đang từng ngày đổi thịt thay da chắc chắn sẽ tiếp tục là những chất liệu quý giá góp phần tạo nên nhiều tác phẩm văn chương hay trong tương lai. Vấn đề được đặt ra là phải làm sao để có được bệ phóng vững chắc giúp các nhà văn trẻ có thể bay cao, bay xa trên con đường văn chương đầy khó khăn, nghiệt ngã.

Bùi Trần Lê Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập886
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm853
  • Hôm nay47,798
  • Tháng hiện tại1,180,445
  • Tổng lượt truy cập34,766,090
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây