Trong nhiệm kỳ 2010-2015 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện về sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu, lý luận, phê bình, quảng bá tác phẩm, xây dựng Hội, bồi dưỡng tài năng trẻ và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2010-2015 và phương hướng, nhiệm vụ hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021 trình Đại hội với tiêu đề: "Nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tác, quảng bá các giá trị VHNT vì sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam làm tròn sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" khẳng định: Năm năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước đã phát huy tinh thần dấn thân, nhập cuộc trong kháng chiến, đồng hành cùng dân tộc để đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã thật sự trở thành đầu mối phối hợp các Hội chuyên ngành TW với địa phương trong quảng bá tác phẩm, tổ chức hội thảo và bồi dưỡng tài năng trẻ. Liên hiệp đã chỉ đạo các tổ chức thành viên chuyển mạnh sang đầu tư chiều sâu, nhờ đó có được nhiều tác phẩm, công trình quy mô lớn, tạo nên những sự kiện văn hóa nổi bật...
Nhiều tác phẩm miêu tả chân thật và cảm động khát vọng to lớn và sâu xa của nhân dân ta rủ bỏ nghèo nàn, lạc hậu, vươn tới cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc. Văn học đã trở lại các đề tài về lịch sử; mạnh mẽ lên tiếng trước những vấn đề thuộc về đạo đức xã hội, phê phán, lên án, cảnh báo mọi người về biểu hiện thoái hóa đạo đức, lối sống, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ nhân phẩm con người.
Các văn nghệ sĩ được bổ sung nhiều tư liệu mới, chất lượng mới, cách nhìn mới, phản ánh sinh động và hấp dẫn hiện thực cuộc sống, có tác dụng động viên, khích lệ, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, đồng thời mạnh mẽ lên tiếng cảnh báo những biểu hiện thoái hóa đạo đức.
Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, trong đội ngũ văn nghệ sĩ đã dâng lên một cao trào sáng tác, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyển biển đảo, lãnh thổ của Tổ quốc.
Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng, không khí dân chủ được mở rộng. Hàng trăm văn nghệ sĩ trong cả nước đã được tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.
Đại hội cũng đã chỉ ra văn học nghệ thuật 5 năm qua vận động và phát triển với các khuynh hướng chính: Một là, tinh thần đồng hành và nhập cuộc với cuộc sống rộng lớn của đất nước của nhân dân ngày càng được đề cao. Hai là, xu hướng trở về với truyền thống văn hóa dân tộc, với lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là 2 cuộc kháng chiến vĩ đại trong thời đại Hồ Chí Minh được đông đảo văn nghệ sĩ đầu tư thời gian, công sức tiến hành sưu tầm, bổ sung nhiều tư liệu mới, xây dựng những tác phẩm có giá trị sử thi sâu sắc. Ba là, vấn đề đạo đức xã hội trở thành một chủ đề trung tâm, nóng bỏng, là đòi hỏi bức thiết của công chúng nghệ thuật. Cuộc đấu tranh thiện ác xưa nay đã là chuyện muôn thuở. Cái mới là cuộc đấu tranh đó hôm nay được gắn liền với một vấn đề trung tâm đó là yêu cầu nhiệm vụ xây dựng con người. Bốn là, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đội ngũ văn nghệ sĩ mạnh dạn tìm tòi, thể nghiệm, đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, làm tăng thêm hiệu quả của sự phản ánh và giá trị thẩm mỹ mới, đáp ứng thị hiếu đa dạng, phong phú trong nhịp sống hiện đại. Và năm là, phát hiện, bồi dưỡng, thu hút những tài năng trẻ, nguồn kế cận đầy triển vọng của văn học nghệ thuật nước nhà...
Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng
Tuy nhiên, một số hạn chế vẫn còn tồn tại như ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn thụ động, thiếu tính chiến đấu, tính định hướng. Quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật hiệu quả chưa cao; một số văn nghệ sĩ chưa nêu cao trách nhiệm công dân, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Công tác hỗ trợ sáng tạo chậm chuyển sang chiều sâu. Công tác lý luận phê bình còn biểu hiện, ngại va chạm và đội ngũ này vẫn còn rất mỏng ở địa phương.
Với phương châm “Đổi mới phương thức hoạt động, chuyển mạnh sang hỗ trợ chiều sâu, đặc biệt coi trọng chất lượng và hiệu quả sáng tạo”, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam lần thứ IX đã đề ra nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ 2016-2021 là xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng, đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đồng hành mạnh mẽ cùng dân tộc, vì lợi ích tối cao của dân tộc, không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Với mong muốn “xây dựng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam thực sự là một tổ chức vững mạnh, tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, gắn bó máu thịt với nhân dân, đưa văn học nghệ thuật phát triển lên một trình độ mới, dân tộc, hiện đại…”, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới là hết sức cao cả: “Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng, đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đồng hành mạnh mẽ cùng dân tộc, vì lợi ích tối cao của dân tộc, không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ nghệ thuật, có tác dụng xây dựng tâm hồn, đạo đức, nhân cách, lối sống; phê phán, đẩy lùi mọi cái xấu, cái ác góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ, làm tròn sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tinh thần quyết liệt đổi mới của lãnh đạo Liên hiệp thể hiện ngay ở phương châm hoạt động, đó là đổi mới phương thức hoạt động, chuyển mạnh sang hỗ trợ chiều sâu, đặc biệt coi trọng chất lượng và hiệu quả sáng tạo. Theo đó, đề án hỗ trợ sáng tạo giai đoạn 2016 - 2021 tiếp tục được xây dựng theo hướng chuyển mạnh sang đầu tư chiều sâu, chú trọng các lĩnh vực trọng điểm như văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc.
Về công tác chuyên môn, giải pháp được coi là quan trọng hàng đầu là kiên quyết khắc phục tình trạng nghiệp dư hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, từ lãnh đạo, quản lý, điều hành đến mọi hoạt động sáng tạo, quảng bá, giao lưu, hội nhập quốc tế. Tổ chức trại sáng tác, đi thực tế theo hướng chuyên đề từng lĩnh vực, kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức trại và đi thực tế sáng tác cũng là một giải pháp được coi trọng, nhất là nhằm khắc phục tình trạng số đông văn nghệ sĩ hiện nay tập trung ở các đô thị lớn nên bị hạn chế vốn sống ở nông thôn nhất là miền núi, vùng cao, các khu vực, công trình công nghiệp. Hoạt động công bố tác phẩm, báo chí văn nghệ, hoạt động lý luận phê bình cũng được đề cao hơn. Khuyến khích các Hội lập các Quỹ sáng tạo, tiến hành xã hội hóa các nguồn lực để phát triển văn học nghệ thuật.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị thời gian tới Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về "xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; Thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khoá X về "xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới"; kịp thời triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trước hết là những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hơn lúc nào hết, văn học, nghệ thuật nước nhà phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Công chúng, bạn đọc mong muốn có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống, con người, đất nước Việt Nam, khẳng định những giá trị to lớn, những điều tốt đẹp, nhân văn, đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu trong xã hội; phấn đấu làm cho mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phục vụ đất nước và nhân dân.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền cần quan tâm sâu sắc, tập trung tháo gỡ các khó khăn, các bất cập về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Liên hiệp Hội, các Hội chuyên ngành và của anh chị em văn nghệ sĩ.
Đại hội lần thứ IX đã hiệp thương bầu ra Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gồm 76 thành viên; Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp gồm 25 thành viên; Ủy ban Kiểm tra gồm 7 thành viên. Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử chức vụ Chủ tịch; 5 Phó Chủ tịch gồm: Nhà văn Đỗ Kim Cuông, nhà văn Tùng Điển, họa sĩ Trần Khánh Chương, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Nông Quốc Bình. Tổng Thư ký là Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Đoàn Thanh Nô.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn