Từ tháng 8/2023 đến 7/2024, đã tiếp nhận 2.598 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, giảm 301 tin so với cùng kỳ, trong đó: tin cũ 410 tin, phục hồi 188 tin và thụ lý mới 2.000 tin. Số tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã giải quyết là 2.246 tin, gồm: khởi tố vụ án hình sự 1.074 tin, không khởi tố vụ án hình sự 823 tin và tạm đình chỉ giải quyết là 349 tin. Có thể nói rằng, nhờ có quy chế phối hợp liên ngành mà mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố được tăng cường; kiểm sát viên và điều tra viên phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời trong quá trình xác minh tố giác, tin báo tội phạm đảm bảo cho việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự có căn cứ pháp luật; các cuộc họp giao ban liên phòng giữa các phòng nghiệp vụ thuộc Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được duy trì theo định kỳ để nắm tình hình, họp bàn, đánh giá giải quyết các vụ án hình sự do mỗi bên thụ lý điều tra, kiểm sát điều tra, giải quyết các vụ án kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, các cơ quan đã chủ động trao đổi, thống nhất để phân loại, thu thập tài liệu, chứng cứ kịp thời. Cơ quan điều tra đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung cần kiểm tra, xác minh theo yêu cầu của Viện kiểm sát. Đối với những vụ việc được xã hội quan tâm, các ngành thường xuyên trao đổi, tổ chức các cuộc họp liên ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải quyết; đối với những vụ việc quan trọng, đặc biệt nghiêm trọng, lãnh đạo liên ngành đã trực tiếp chỉ đạo và phân công lãnh đạo các phòng chức năng trực tiếp chỉ đạo, thực hiện các hoạt động.
Công tác phối hợp giữa 08 ngành cơ bản tốt nhưng việc cập nhật và trao đổi thông tin giữa một số cơ quan vẫn còn hạn chế, đôi lúc chưa chặt chẽ như có trường hợp chỉ dừng lại ở khâu cung cấp hồ sơ, tài liệu về doanh nghiệp bỏ trốn hoặc đối tượng có dấu hiệu vi phạm về thuế cho Cơ quan Công an, chưa đề ra kế hoạch, biện pháp phối hợp cụ thể để đấu tranh làm rõ. Số lượng nguồn tin tạm đình chỉ còn chiếm tỷ lệ khá cao, 349/2.246 (tỷ lệ 15,54%), nếu không có giải pháp kéo giảm sẽ tăng số lượng tạm đình chỉ lũy kế lên rất cao. Tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều vụ án giết người vì ghen tuông, do mâu thuẫn nhỏ trong lúc uống rượu, giết người thân; đặc biệt đáng lên án tình trạng hiếp dâm người dưới 16 tuổi xảy ra nhiều; nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn còn diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi; tội làm giả, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, tội tham ô tài sản và tội phạm về ma túy có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do tính chất các vụ án, vụ việc xảy ra trên địa bàn ngày càng phức tạp, tinh vi, trong khi đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên cơ bản vẫn còn thiếu so với tình hình tội phạm hiện nay.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã đề nghị các cấp ủy, các cơ quan khối nội chính, tư pháp và các cơ quan có liên quan cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, trọng tâm là Kết luận 13-KL/TW, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận 15-KL/TW, ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 17/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giai đoạn 2021 - 2025 và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan.
Thứ hai, tăng cường công phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; thường xuyên trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Công an cấp xã trong công tác tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm và công tác điều tra vụ án hình sự của điều tra viên, cán bộ điều tra bố trí ở Công an cấp xã; rà soát các điều kiện để phục hồi, đưa các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ ra xử lý theo đúng quy định. Đẩy mạnh công tác phối hợp trong giám định, định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan tố tụng, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, không được từ chối giám định, định giá mà không có lý do chính đáng, bảo đảm kết luận giám định, định giá tài sản chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật, phục vụ hiệu quả hoạt động chứng minh tội phạm và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án.
Thứ ba, Công an tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra hai cấp thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các ngành đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; với ngành Thanh tra trong trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra; với Viện kiểm sát nhân dân hai cấp kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm và công tác điều tra vụ án hình sự của điều tra viên, cán bộ điều tra bố trí ở Công an cấp xã; với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã, đặc biệt là theo dõi nắm, dự báo, đánh giá tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở, không để bị động, bất ngờ.
Thứ tư, Thanh tra tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Thông tư liên tịch 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP, ngày 28/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra để xác định rõ dấu hiệu tội phạm, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ và chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Thứ năm, các cơ quan Thanh tra, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế, Cục Thi hành án dân sự, Chi Cục hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Tho, Bộ đội Biên phòng tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời trong hoạt động tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tại đơn vị mình phụ trách đúng quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm quy chế phối hợp liên ngành để công tác phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin về tội phạm được tốt hơn, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật.
Thứ sáu, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan giám định, định giá tài sản tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Giám định tư pháp năm 2020, Nghị định 30/2018/NĐ-CP, ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự; Nghị định 97/2019/NĐ-CP, ngày 23/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 30/2018/NĐ-CP, ngày 07/3/2018, Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP, ngày 13/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế và các văn bản hướng dẫn thi hành; Công văn 935-CV/TU, ngày 14/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội nghị về công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; Quy chế phối hợp 45/QCPH-LN, ngày 09/3/2023 của Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Thứ bảy, các cơ quan nội chính, tư pháp phải thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đảm bảo việc giải quyết các vụ án, vụ việc nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo phương châm “Khi phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án mới chuyển”.
Tin tưởng rằng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nhất là sự tham gia tích cực của Nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thì hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sẽ được nâng lên, đẩy nhanh quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.