2. Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng
Tháng 6/1958, đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách binh vận, sau phụ trách Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 3/1961, do yêu cầu công tác, Khu ủy rút đồng chí Lê Việt Thắng, Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho về Khu công tác và phân công đồng chí Đỗ Văn Giọng, Phó Tư lệnh Quân khu xuống trực tiếp chỉ đạo chiến trường Mỹ Tho. Tháng 4/1961, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức hội nghị tại xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành (nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Đồng chí Nguyễn Chí Công, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy bầu làm Bí thư và chủ trì hội nghị. Trên cơ sở quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Khu ủy Khu 8 vào thực tế địa phương, Tỉnh ủy chủ trương: vừa xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng cách mạng, tăng cường việc quản lý vùng giải phóng, nhất là chăm lo đời sống kinh tế - xã hội cho nhân dân; vừa tập trung lực lượng tấn công địch một cách toàn diện trên khắp địa bàn. Vận dụng một cách sáng tạo phương châm hai chân ba mũi của Trung ương, Tỉnh ủy Mỹ Tho đề ra phương châm của tỉnh là kết hợp một cách chặt chẽ giữa 3 mặt tấn công, 3 mũi giáp công trên cả 3 vùng, bao vây, bức rút, bức hàng đồn bót địch, phá khu trù mật, mở rộng vùng giải phóng. Nhanh chóng củng cố, kiện toàn, phát triển lực lượng cách mạng, trong đó cần tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống lãnh đạo và phát triển lực lượng vũ trang,...
Trước tình hình mới, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu 8, đồng chí Nguyễn Chí Công cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời lãnh đạo nhân dân chuyển sang giai đoạn chiến tranh cách mạng và bước đầu đã có sự chuẩn bị chu đáo trên tất cả các mặt. Sau hội nghị Tỉnh ủy, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện. Lực lượng vũ trang nhanh chóng trưởng thành, cùng với lực lượng đấu tranh chính trị và binh vận tạo thành ba mũi giáp công, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của địch. Bộ đội tỉnh, huyện và du kích xã, ấp được xây dựng, củng cố và phát triển, trong đó có một số xã trước đây là vùng yếu. Phong trào du kích chiến tranh được phát động rộng rãi khắp các địa phương, quần chúng tham gia làm hầm chông, cạm bẫy, chống địch càn quét, chống địch lập ấp chiến lược. Nhiều xã như Đạo Thạnh, Trung An,... ở sát thị xã Mỹ Tho nhưng các cấp ủy ở đây biết dựa vào xã, ấp chiến đấu, dựa vào sức mạnh đấu tranh của quần chúng nên vẫn giữ vững thế làm chủ. Thế tiến công và nổi dậy phát triển đều khắp trong các huyện. Lực lượng chính trị được tổ chức khá chặt chẽ, bước đầu đã phối hợp tốt với đòn tấn công vũ trang trong chống càn, trong nổi dậy giành quyền làm chủ và bảo vệ xóm làng.
Tháng 6/1961, hưởng ứng đợt phát động tấn công và nổi dậy trong toàn Khu 8, đồng chí Nguyễn Chí Công cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị và quyết định đẩy mạnh hoạt động vũ trang trên phạm vi toàn tỉnh. Sau hội nghị, phong trào đấu tranh chính trị, tấn công vũ trang tiếp tục phát triển lên một bước mới. Các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo thường xuyên tổ chức quần chúng đấu tranh chính trị, binh vận tại chỗ hoặc kéo lên quận, lên tỉnh để đòi địch không được bắt lính đôn quân, không được càn quét, bắn pháo bừa bãi. Từ giữa năm 1961 đến cuối năm, có hàng ngàn cuộc đấu tranh chính trị kết hợp chặt chẽ với binh vận diễn ra khắp các địa bàn trong tỉnh, trong đó có nhiều cuộc đấu tranh đã gây cho địch nhiều lúng túng trong đối phó và có tác động rất lớn đối với phong trào cách mạng chung trong toàn tỉnh. Phong trào tấn công chính trị, kết hợp với tấn công binh vận ở nông thôn và thành thị đã góp phần hạn chế phần nào các cuộc hành quân càn quét bắn phá của địch.
Đầu tháng 9/1961, đồng chí Nguyễn Chí Công triệu tập hội nghị tại Hưng Thạnh, huyện Châu Thành. Hội nghị nhận định: địch đã mở rộng chiến tranh, tổ chức nhiều cuộc càn quét với quy mô lớn, nhỏ hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang và các cơ quan lãnh đạo của cách mạng. Lực lượng cách mạng đủ sức đánh càn, chặn viện và mức độ tiến công, nổi dậy đã phát triển đều khắp trong tỉnh. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy quyết định đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng xã, ấp chiến đấu, kết hợp một cách nhuần nhuyễn hơn nữa ba mặt tấn công, ba mũi giáp công, quyết tâm đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các cấp ủy ở các huyện và cơ sở phát động thi đua làm cho phong trào tấn công vũ trang và nổi dậy của quần chúng phát triển mạnh trong toàn tỉnh. Hàng trăm thanh niên xin đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang, hàng ngàn thanh niên khác tham gia cùng với bộ đội xây dựng, rào lấp xã ấp chiến đấu. Lực lượng ba thứ quân kết hợp với phong trào tấn công chính trị, binh vận tại chỗ đánh càn, chặn viện, bao bức hàng chục lượt đồn bót của 30 xã ở các huyện Hòa Đồng, Gò Công, Châu Thành, phía nam huyện Cai Lậy, trong đó có các đồn bót lớn như các đồn Ban Dầy, Kinh Mười, Kinh Phủ huyện.
Tháng 10/1961, địch tiến hành lập ấp chiến lược thí điểm tại xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành. Đồng chí Nguyễn Chí Công đã chỉ đạo phải cương quyết tìm mọi cách phá bằng được ấp chiến lược này nhằm rút kinh nghiệm đối phó với kế hoạch xây dựng ấp chiến lược của địch. Huyện ủy Châu Thành, chi bộ xã Tân Lý Tây tập trung lực lượng chỉ đạo các ban, ngành phối hợp phá ấp chiến lược. Hàng đêm có hàng chục phụ nữ, hàng chục nông dân, thanh niên tiến hành phá hàng rào, bờ thành. Ban ngày đoàn kết đấu tranh cương quyết không vào ấp chiến lược. Cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt, cuối cùng địch vẫn gom dân vào ấp chiến lược nhưng qua đó ta cũng rút ra được kinh nghiệm quý báu để vận dụng sau này.
Cuối năm 1961, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí Nguyễn Chí Công tổ chức tổng kết một năm phong trào du kích chiến tranh. Theo báo cáo tổng kết của các ban, ngành, đoàn thể, Tỉnh ủy khẳng định phong trào du kích chiến tranh của tỉnh đã phát triển khá toàn diện, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của tình hình. Về phần xây dựng lực lượng cách mạng, Tỉnh ủy đánh giá sau một năm công tác xây dựng lực lượng cách mạng có một bước tiến khá quan trọng. Cấp ủy các cấp được củng cố và kiện toàn, đội ngũ cán bộ, đảng viên được phát triển nhanh chóng.
Đầu năm 1962, để thực hiện quốc sách càn quét, lập ấp chiến lược, địch tập trung lực lượng lớn, mở hàng loạt các cuộc càn quét, đánh phá ác liệt vào các vùng nông thôn do ta kiểm soát; tiến hành đuổi dân, cướp đất xây dựng căn cứ, bến cảng, kho tàng, các ấp chiến lược,... dọc theo các tuyến giao thông quan trọng. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Chí Công chỉ đạo các cấp cương quyết thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, tiếp tục bố trí lực lượng vũ trang dựa vào xã, ấp chiến đấu, dựa vào thế chiến tranh nhân dân đánh địch và tổ chức quần chúng tấn công chính trị, binh vận khắp trên ba vùng ở tất cả các huyện.
Trong năm 1964, dưới sự chỉ đạo kịp thời của đồng chí Nguyễn Chí Công và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quân và dân Mỹ Tho đã lập nhiều thành tích, đánh bại kế hoạch bình định và tái chiếm của địch, giữ vững thế chủ động, liên tục tấn công, đánh vào nhiều vị trí kiên cố, tiêu diệt và làm tan rã nhiều sinh lực địch, đẩy chúng vào thế bị động đối phó, loại khỏi vòng chiến đấu 10.400 tên và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.
Tháng 5/1965, đồng chí Nguyễn Chí Công cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho mở hội nghị tại xã Nhị Bình, huyện Châu Thành. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết của Trung ương và sự phân tích tình hình ở địa phương, hội nghị chủ trương: mở đợt tiến công đồng loạt trên ba mặt quân sự, chính trị, binh vận, quyết tâm giành thắng lợi trong năm 1965 và chuẩn bị lực lượng đối phó với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Trên cơ sở xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, Tỉnh ủy chọn xã Nhị Bình, xã Long Định, huyện Châu Thành; xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo làm thí điểm, sau đó sẽ phát động rộng rãi ra toàn tỉnh. Kết quả, trong năm 1965, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.000 tên địch, thu gần 500 súng các loại, phá 80 ấp chiến lược, giải phóng cho hàng ngàn người, đưa về quê cũ làm ăn. Qua bước đầu thử thách với chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, lực lượng cách mạng ở một số nơi có tiêu hao nhưng vẫn không ngừng được bổ sung và phát triển. Do yêu cầu của cách mạng, tháng 6/1965 đồng chí Nguyễn Chí Công chuyển công tác và đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy đưa phong trào cách mạng của tỉnh tiếp tục phát triển.
Mặc dù giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho trong thời gian từ tháng 4/1961 đến tháng 6/1965, nhưng đồng chí Nguyễn Chí Công đã cùng Tỉnh ủy Mỹ Tho tích cực lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh đầy gian khổ để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Hầu hết các cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi với nhiều mức độ khác nhau. Phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh mẽ, lực lượng quân dân du kích vừa bám ruộng sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ xóm, ấp.
Từ năm 1976 - 1986, đồng chí Nguyễn Chí Công là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang. Năm 1988, đồng chí nghỉ hưu. Đồng chí từ trần ngày 9/3/2005.
Đồng chí Nguyễn Chí Công được khen thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc; Huy chương Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp.
Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang.