Để huy động được sức mạnh của cả cộng đồng và hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền, vận động luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Tân Phước tập trung thực hiện và xem đây là nguyên nhân hàng đầu quyết định sự thành công. Theo đó, Ban chỉ đạo huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, làm rõ nhiệm vụ cụ thể của từng ban, ngành, đoàn thể. Gần 3 năm qua, các cấp ủy đảng và các ngành, đoàn thể có liên quan đã tổ chức được gần 1.180 cuộc tuyên truyền, tập huấn về công tác xây dựng nông thôn mới, có gần 35.000 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham dự. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế và toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm phải chung sức xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, đề án xây dựng nông thôn mới của 03 xã điểm: Tân Hòa Thành, Phước Lập và Tân Hoà Tây đã được phê duyệt. Hiện các xã đang triển khai thực hiện từng tiêu chí theo lộ trình đã xây dựng. Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước cũng đã phê duyệt xong đồ án quy hoạch nông thôn mới xã Tân Hòa Thành; 02 xã Phước Lập và Tân Hòa Tây đang trong quá trình hoàn chỉnh đồ án. Đối với 09 xã còn lại, đến nay đã phê duyệt xong nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2020; đồng thời đơn vị tư vấn phối hợp với Tổ công tác huyện, xã đã thông qua báo cáo dự thảo đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới và lấy ý kiến đóng góp của các ngành huyện, xã và nhân dân. Với ưu thế của một xã vừa được công nhận là xã văn hóa, tính đến cuối tháng 7 năm 2013, xã Tân Hoà Thành đã đạt 11/19 tiêu chí. Kế đến là Phước Lập đạt 08 tiêu chí, các xã còn lại chỉ đạt từ 2 - 5 tiêu chí.
Qua gần 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tân Phước đã có những bước khởi sắc như: hệ thống kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường trạm, đê bao...) cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, thu nhập của nhân dân ngày được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới vẫn còn bộc lộc những hạn chế, yếu kém, công tác lập quy hoạch chậm so với thời gian quy định do năng lực đơn vị tư vấn không đồng đều, nhiều đơn vị không am hiểu nhiều về tình hình kinh tế xã hội của xã, còn xa rời thực tế, nội dung còn rập khuôn hay sao chép của các địa phương khác. Tính khả thi của một số quy hoạch chưa cao vì UBND xã chưa tích cực phối hợp với tư vấn trong công tác lập quy hoạch mà gần như khoán trắng cho đơn vị tư vấn. Công tác quy hoạch chưa bắt kịp yêu cầu phát triển, chưa bám sát phương châm xây dựng nông thôn mới là: tiêu chí nào dễ đạt, cần vốn ít thì làm trước, tiêu chí nào cần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì họp dân cùng bàn bạc để cả cộng đồng cùng chung tay, góp sức.
Công tác tuyên truyền, vận động còn nhiều hạn chế, chủ yếu là tuyên truyền miệng, trong khi trình độ dân trí của đại bộ phận nhân dân huyện Tân Phước thấp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; còn xem chương trình xây dựng nông thôn mới là dự án đầu tư của Nhà nước nên nặng về triển khai thực hiện các tiêu chí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mà chưa quan tâm đến tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; còn tư tưởng trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước, của chính quyền cấp trên. Cán bộ tham gia công tác chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu còn nhiều lúng túng và khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình còn hạn chế, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ còn thấp nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện và phân bổ cho các địa phương. Mặt khác, cơ chế thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác cho xây dựng nông thôn mới chưa đủ sức hấp dẫn để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nội dung tiêu chí đưa ra chỉ tiêu thực hiện còn những điểm chưa phù hợp so với điều kiện thực tế ở khu vực nông thôn; một số tiêu chí đòi hỏi về diện tích đất để đầu tư các hạng mục công trình lớn trong khi điều kiện quỹ đất công ở các xã gần như không có, cũng như nguồn ngân sách của địa phương và cơ sở có hạn, nhu cầu sử dụng của người dân cũng chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện…
Trong điều kiện khó khăn trăm bề, thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Tân Phước cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động về thực hiện các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là đem lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng và phải do chính người dân thực hiện.
Với đặc thù là một huyện vùng sâu, đời sống của nhân dân còn nghèo, thiết nghĩ rất cần có một cơ chế đặc thù để các huyện nghèo vùng sâu, vùng xa như Tân Phước có thể thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của địa phương.