Tiếp tục thực hiện và phát triển những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam

Thứ tư - 23/04/2025 02:23
Ban Biên tập trích đăng Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương biên soạn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

1. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ trọn niềm tin và vững bước trên con đường cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn

Từ khi tìm ra chân lý của cách mạng vô sản, tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường cách mạng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Độc lập dân tộc và CNXH là tư tưởng lớn, là mục tiêu hướng tới suốt hành trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Người. Mục tiêu đó đã được xác định ngay trong các văn kiện đầu tiên Đảng; được khẳng định là sự lựa chọn đúng đắn qua các giai đoạn lịch sử vì đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. 

Và trong suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả dân tộc.

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; chớp thời cơ cách mạng để xóa bỏ chính quyền thực dân - phong kiến, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân nhất tề đứng lên, chiến đấu kiên cường, đánh bại các kiểu chiến tranh xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên CNXH bước vào Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển.

Khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị tan rã, Việt Nam rơi vào tình thế muôn vàn khó khăn. Tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ trọn niềm tin vào con đường vị lãnh tụ kính yêu đã chọn cho dân tộc; qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thế giới đang có nhiều thay đổi mang tính thời đại. Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; ráo riết tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc; triệt để lợi dụng hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để thâm nhập nội bộ, thúc đẩy các yếu tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong.

Các thách thức an ninh phi truyền thống gây ra nhiều tác động tiêu cực; sự xuất hiện, phát triển của không gian mạng cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư với quy mô, tốc độ chưa từng có, đem đến thời đại mới mà quốc gia kém phát triển, đang phát triển có thể tận dụng thời cơ, đi tắt đón đầu, phát triển vượt bậc, vươn lên thành những quốc gia hùng mạnh hoặc bị rơi vào hố sâu tụt hậu nếu không tận dụng được thời cơ.

Trong nước, đây là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu; là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới đất nước; kiên định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.

2. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng “Đảng cầm quyền”; nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, để Đảng thực sự "là đạo đức, là văn minh"

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (30/01/1965).
Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là hệ thống những quan điểm toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò; mục đích, lý tưởng; nhiệm vụ và phương pháp hoạt động; những thách thức, nguy cơ của Đảng cầm quyền; về mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và nhân dân… Người luôn trăn trở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Di sản tư tưởng quý báu cùng với thực tiễn hành động xây dựng Đảng và tấm gương đạo đức của Người có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn, cần được nghiên cứu, quán triệt và vận dụng sáng tạo trong đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, để tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như Người hằng mong muốn.

Thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình quá trình lịch sử ra đời và phát triển 95 năm qua, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước. Việc thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm và đặc biệt là việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động rất có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cả Trung ương và cấp tỉnh đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nói riêng của Đất nước.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và những thách thức từ tình hình thế giới; để thực hành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ trong Kỷ nguyên mới, cần triển khai mạnh mẽ các nhóm giải pháp chiến lược, sau đây:

Thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo thông qua hệ thống chính trị mà Đảng là hạt nhân; lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chính sách và sự tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên; bằng thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước; sự vận động, thuyết phục Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, giới thiệu đại biểu ưu tú vào bộ máy nhà nước và thông qua công tác kiểm tra - giám sát. Đảng cầm quyền bằng pháp luật, lãnh đạo định ra Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Sự lãnh đạo của Đảng để bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.

Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là “hạt nhân trí tuệ”, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy thực sự tinh gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công việc; bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý của Nhà nước.

Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng. Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng. Việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết phải tạo ra sự tự nhận thức, tự thấm nhuần, nhất là những quan điểm, chủ trương, giải pháp mới. Tập trung xây dựng chi bộ tốt, đảng viên tốt; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Đổi mới công tác kiểm tra; phát huy cao độ vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp. Tập trung chuyển đổi số trong công tác đảng; xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và văn kiện của Đảng, kết nối từ Trung ương tới cơ sở, kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

3. Nắm vững tư tưởng “thượng tôn pháp luật”; thực hành quan điểm "nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước

Những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là: Nhà nước pháp quyền do dân là chủ và dân làm chủ; có “thần linh pháp quyền”, “thượng tôn pháp luật”; “liêm khiết”, vững mạnh, hoạt động hiệu quả; do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc rộng rãi …
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo tại Kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (12/1953).
Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng “nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của nhân dân trong lịch sử; thể hiện trên hai phương diện cơ bản, đó là: Mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; phát huy trách nhiệm của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng đó có vị trí đặc biệt quan trọng, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.

Để chuẩn bị cho một bộ máy lãnh đạo có đủ năng lực lãnh đạo đất nước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên “mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”; cuộc cách mạng thực hiện tinh gọn bộ máy chính trị hiệu năng - hiệu lực -hiệu quả đang được tiến hành mạnh mẽ, với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống quản lý nhà nước minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Lịch sử ra đời, xây dựng, phát triển và hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã chứng minh những tư tưởng đúng đắn, vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; có nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang khơi dậy sức mạnh sáng tạo và trách nhiệm của giới khoa học; góp phần tạo những bước nhảy vọt, bứt phá cho đất nước; góp phần đẩy mạnh cải cách và xây dựng nền hành chính công tiên tiến; đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; cắt giảm thủ tục rườm rà, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện mở đường cho kinh tế số và tiến tới “xã hội số”.

4. Thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 liên tục đạt 2 con số

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”; “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân”. Thực hiện ý nguyện của Người, những thành quả của gần 80 năm thành lập nước và 40 năm đổi mới đã mang lại cuộc sống đầy đủ ấm no cho các tầng lớp nhân dân. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm. Thời gian gần đây nhiều chính sách quan tâm đến đời sống nhân dân như về miễn giảm học phí, chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát, phát triển nhà xã hội… đang được triển khai mạnh mẽ. Thực hiện di huấn của Người “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được từng bước nâng cao. Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Hà Nội (28/4/1964).
Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, thực hiện ước nguyện của Người về một quốc gia giàu mạnh, “sánh vai các quốc năm châu”, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội, đó là các mục tiêu đã được xác định trong Đại hội XIII của Đảng và mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025, tăng trưởng liên tục đạt 2 con số giai đoạn 2026 - 2030.

Để đạt được các mục tiêu trên, cả hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững; thúc đẩy mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế. Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... để thúc đẩy thương mại công bằng, hài hoà, bền vững với Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, EU và các đối tác lớn của Việt Nam. Chủ động dự báo và có phương án ứng phó với các yếu tố đột xuất, bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thương mại, khủng hoảng kinh tế, xung đột vũ trang hoặc một số điều kiện quốc tế khác về tài chính, kinh tế, thương mại... 

5. Phát triển vận dụng tư tưởng của Hồ chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong bối cảnh hợp tác quốc tế sâu rộng
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô (25/9/1966).
Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân là xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng "từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu", được tổ chức bằng ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); là xây dựng căn cứ địa cách mạng, khởi nghĩa toàn dân, toàn diện và tiến hành chiến tranh nhân dân…; được hình thành trên cơ sở tiếp thu nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; đồng thời là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống toàn dân đánh giặc “trăm họ là binh” của dân tộc ta. Tư tưởng của Người đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo đề ra những giải pháp chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các giai đoạn cách mạng và tiếp tục phát huy trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống những nguyên lý, quan điểm về các vấn đề thời đại, đường lối quốc tế, chiến lược, sách lược, chính sách ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại. Các nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”; “Tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng bằng nhiều hình thức ngoại giao nhà nước đến việc thiết lập quan hệ với chính quyền và nhân dân các địa phương sống chung cùng đường biên giới, giải quyết xung đột bằng đàm phán thương lượng"; “nước ta là một bộ phận của thế giới. Tình hình của nước ta có ảnh hưởng đến thế giới, mà tình hình thế giới cũng có quan hệ đến nước ta”… trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã soi sáng chính sách đối ngoại Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 95 năm qua; góp phần tích cực vào việc mở ra các mối quan hệ hoà bình, hữu hảo giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; qua đó Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đã tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ đồ, tiềm lực và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Ngày nay, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đang bước vào một trang sử mới, nắm vững; phát huy những tư tưởng của Người, chúng ta thực hành nghệ thuật ngoại giao thời đại mới trên cơ sở cốt cách con người Việt Nam yêu hòa bình, đạo lý “lấy chí nhân thay cường bạo”, luôn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; tăng cường đóng góp thiết thực của Việt Nam trong duy trì hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Nguồn: baocaovien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm96
  • Hôm nay59,525
  • Tháng hiện tại1,031,612
  • Tổng lượt truy cập51,497,931
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây