Trải qua 10 năm kể từ ngày thành lập, dù chỉ với 6 cán bộ chuyên trách, điều hành mọi hoạt động của tỉnh Hội, bước đầu tuy có gặp những khó khăn nhất định. Thế nhưng, các thành viên của Hội không ngừng phấn đấu và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao; từng bước cùng các hội ở cơ sở khảo sát, rà soát, lập danh sách quản lý từng nạn nhân, kịp thời giúp đỡ về vật chất và động viên về tinh thần đối với từng đối tượng.
Tính đến nay, Hội đã có một hệ thống hoàn chỉnh phủ kín các huyện, thành, thị; toàn tỉnh hiện có 163 tổ chức hội 3 cấp; 409 chi hội ấp, khu phố; với gần 10.000 hội viên trong toàn tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Bước đầu khảo sát, lập danh sách quản lý hơn 10.000 nạn nhân, trong đó 8.400 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của nhà nước (gồm người hoạt động kháng chiến là 1.200 người, con của người hoạt động kháng chiến là 310 người và 7.500 người là công dân thường); còn 1.150 người vẫn chưa được hưởng chế độ của nhà nước vì nhiều lý do khác nhau...
Trong hoạt động của mình, Hội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp đầy trách nhiệm của các cơ quan hữu quan; sự tích cực hoạt động của tổ chức Hội các cấp; đặc biệt sự cảm thông chia sẻ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần của các tổ chức, cá nhân. Các cấp Hội trong toàn tỉnh đã rất tích cực, chủ động triển khai các kế hoạch vận động nguồn tài trợ bằng cách kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức hội đồng hương ở các tỉnh. Vận động sự tài trợ ở các doanh nghiệp, thông qua nhiều hình thức cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Ông Lê Quốc Bảo - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang cho biết: Từ ngày thành lập đến nay, Hội đã không ngừng củng cố về tổ chức, mở rộng các mối quan hệ trên tinh thần vận động tài trợ, giúp đỡ các nạn nhân. Biết rằng, giá trị vật chất của những lần giúp đỡ là không lớn nhưng đó là nguồn cảm hứng, là sức mạnh để các nạn nhân cảm thấy ấm lòng, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Qua 10 năm hoạt động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tặng hơn 50.000 phần quà, 11.000 suất lương thực, 560 xe lăn, xe lắc; xây dựng 330 nhà tình nghĩa, tình thương; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí gần 7.000 lượt nạn nhân; hỗ trợ 138 hộ nuôi heo theo chương trình "Vượt khó cùng Anco", cấp 74 suất học bổng… Tổng số tiền và vật chất vận động giúp đỡ nạn nhân thời gian qua gần 34 tỷ đồng. Nhờ sự chăm sóc nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các cấp Hội và toàn xã hội đã giúp hơn 9.000 nạn nhân có điều kiện cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn về vật chất, vượt lên hoàn cảnh khó khăn cùng hòa nhập với cộng đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh cũng gặp không ít những khó khăn trở ngại trong quá trình vận động các hội viên tham gia như: 100% cán bộ Hội kiêm nhiệm, không có định suất cố định, tham gia với tinh thần tự nguyện, không có kinh phí hoạt động nên phần lớn không gắn trách nhiệm cá nhân, nên hội viên thay đổi liên tục. Trong khi đó, số lượng nạn nhân yêu cầu được chăm sóc, cứu trợ ngày càng nhiều. Chính vì thế cần phải có một chế độ thích hợp dành cho những người tham gia công tác Hội để hoạt động Hội ngày càng vững mạnh hơn. Nói về vấn đề này, ông Lê Quốc Bảo - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang cho biết: "Hoạt động của Hội ở tỉnh và các cấp luôn gặp khó khăn, không riêng gì cơ sở vật chất mà vấn đề về phụ cấp dành cho hoạt động Hội cũng là vấn đề nan giải. Họ luôn đòi hỏi có một chế độ phụ cấp để bản thân an tâm tham gia công tác Hội. Họ tham gia Hội với tinh thần tự nguyện nhưng cũng cần phải có, dù ít hay nhiều một chế độ phụ cấp riêng. Trong thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tiếp tục cùng cộng đồng xã hội đồng hành với các nạn nhân và xây dựng Hội các cấp vững mạnh. Phát huy vai trò tích cực của hội, hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức xã hội có tính chất đặc thù và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam vơi đi nỗi đau; do đó rất cần sự tài trợ, đóng góp nhiều hơn nữa của cả cộng đồng để cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam".
10 năm - một chặng đường thể hiện trách nhiệm và sự nhiệt tình của từng cán bộ, hội viên trong công tác chăm lo cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Sự nhiệt tình của những người trong ban chấp hành, của từng hội viên từ tỉnh đến cơ sở, sự quan tâm, ủng hộ từ những cá nhân, đơn vị tâm huyết với công tác thiện nguyện, với nạn nhân chất độc da cam. Tất cả những điều đó là yếu tố cần thiết để hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang ngày càng đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực hơn.
Hoạt động với phương châm "Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm - vì nạn nhân chất độc da cam", 10 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương hội, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen; nhận cờ hạng nhì khối thi đua tổ chức xã hội do UBND tỉnh Tiền Giang trao tặng và được Trung ương Hội đánh giá là một trong những tỉnh, thành có tổ chức Hội hoạt động mạnh về công tác chăm sóc, vận động, hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.