Những chất độc trong khói thuốc đã gây ra những bệnh trên hầu hết các cơ quan của cơ thể như hệ hô hấp, tim mạch, nội tiết, sinh sản, cơ xương khớp, thần kinh… 90% số ca bệnh ung thư phổi, 30% trong tổng số ca bệnh ung thư, 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% số ca bệnh tim do thiếu máu cục bộ và 62% trong tổng số ca bệnh và trường hợp tử vong tại bệnh viện là do những chất độc trong khói thuốc đã gây ra.
Hàng năm, thế giới có 6 triệu người chết vì thuốc lá, với 2/3 trong số đó thuộc các nước đang phát triển, trong đó hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Vào năm 2020, tỷ lệ tử vong do thuốc lá sẽ là 10 triệu, cao hơn do HIV/AIDS, bệnh lao phổi, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại.
Ở Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tử vong 40.000 người và ước tính con số ngày sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030. Việt Nam là quốc gia có số người hút thuốc cao thứ 3 trong khu vực Asean, chỉ sau Indonesia và Philippines. Trong đó, tỉ lệ nam giới hút thuốc là 47,4% và nữ giới là 1,4%, chủ yếu là độ tuổi 25-50. Do tỷ lệ người hút thuốc rất cao nên số người hút thuốc thụ động cũng rất nhiều, phần lớn là phụ nữ và trẻ em thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở nhà, tại nơi làm việc và những nơi công cộng. Trên 50% số người hút thuốc thụ động ít nhất 30 phút/ngày.
Không khó để gặp cảnh trong một đám cưới, ngay tại bàn tiệc có phụ nữ mang thai và trẻ em, nhiều ông vẫn thản nhiên phì phèo nhả khói trong phòng máy lạnh ngột ngạt. Có bao nhiêu là chuyện bức xúc xung quanh cách người Việt hút thuốc nơi đông người, chủ yếu liên quan đến cánh đàn ông. Đi vào chốn công cộng thì rất nhiều người phì phà thuốc lá bất chấp sự khó chịu của người xung quanh - những người phải hút thuốc thụ động (chưa kể có chuyện phà thẳng khói vào mặt người khác).
Hút thuốc thụ động
Ngoài tác hại đối với sức khỏe, thuốc lá còn gây cho xã hội tổn thất về kinh tế rất lớn. Cũng như xu hướng chung của thế giới, số người hút thuốc tại Việt Nam tập trung nhiều nhất ở nhóm thu nhập thấp. Tiền chi cho thuốc lá chiếm một phần không nhỏ trong ngân quỹ vốn đã eo hẹp của họ và ảnh hưởng đến các chi tiêu về quần áo, giáo dục, y tế. Tại Việt Nam, mỗi năm, một người có hút thuốc ở Việt Nam chi gần 700.000 đồng cho thuốc lá. Với 12 triệu người hút, một năm chúng ta tốn hơn 8.200 tỷ đồng cho mặt hàng này. Số tiền đó đủ để mua lương thực nuôi sống 10,6 triệu người. Theo thống kê, chi phí điều trị nội trú, ngoại trú và tự điều trị cho 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá là gần 9.000 tỷ đồng, trong đó chi phí điều trị nội trú cho một đợt nằm viện, Chính phủ chi 40%, bảo hiểm chi 19% và người bệnh chi 41%.
Ngoài ra, khói thuốc lá còn là tác nhân gây ra 10% các vụ tai nạn và cháy nổ, làm tăng ngày nghỉ làm của nhân viên do bệnh tật, làm xấu và nhanh hỏng các tài sản, tăng chi phí quét dọn và bảo dưỡng, qua đó tăng các chi phí các khoản bảo hiểm.
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực thi hành 2 năm nay. Quá trình thực hiện các hoạt động về phòng chống tác hại thuốc lá tuy có nhiều thuận lợi vì có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương nhưng thực tế cũng còn không ít những khó khăn, thách thức, phức tạp và rất lâu dài. Đó là, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới có xu hướng gia tăng; tỷ lệ trẻ em tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá còn rất cao; hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn phổ biến. Tình trạng quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị và tài trợ của một số công ty thuốc lá vẫn được thực hiện dưới nhiều hình thức. Giá bán thuốc lá vẫn chưa có tác dụng hạn chế người hút thuốc sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Lời cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá còn chung chung, không gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng, do đó còn hạn chế tác dụng cảnh báo đối với người nghiện thuốc lá và ngăn ngừa người bắt đầu hút thuốc lá, nhất là trẻ em. Số người hút mới, nhất là trong lứa tuổi học sinh vẫn còn; không ít những trường hợp còn hút thuốc lá nơi đông người, nơi cấm một cách tự nhiên mà không bị một phản ứng hay xử lý nào…
Khói thuốc lá là kẻ giết người thầm lặng, là tác nhân gây ra biết bao nhiêu bệnh tật. Bà Gro Harlem Brundtland, nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng phát biểu: “Nếu chúng ta không hành động một cách kiên quyết, thì một trăm năm sau con cháu chúng ta sẽ phán quyết và cật vấn nghiêm khắc rằng, làm sao mà mọi người cam kết vì sức khỏe cộng đồng và công bằng xã hội nào lại cho phép nạn dịch thuốc lá nổ ra không được kiểm soát”. Một tuyên bố mang đậm tính triết lý nhưng đầy trách nhiệm. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng, những người đang hút thuốc hãy suy nghĩ bỏ thuốc vì trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, hoặc có hút thuốc thì hút xa nơi đông người; còn những người không hút thì chủ động, mạnh dạn bày tỏ ý kiến đối với người hút thuốc vi phạm quy định, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Qua đó, mỗi người đã góp một phần vào việc xây dựng một thế giới trong lành không có khói thuốc độc hại, thể hiện được trách nhiệm đối với việc bảo vệ sức khỏe của nòi giống dân tộc và đối với thế hệ con cháu mai sau.