Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024)

Thứ ba - 09/04/2024 21:26
1. Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ

Trải qua 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam (1945-1953), thực dân Pháp bị thiệt hại ngày càng nặng nề. Trước tình thế sa lầy và bị động của Pháp, Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương, ép Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh; đồng thời, tích cực chuẩn bị thay thế Pháp.

Ngày 7/5/1953, được sự thỏa thuận của Mỹ, chính phủ Pháp cử tướng Na va làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chỉ sau một thời gian ngắn, viên tướng này đã cho ra đời một bản kế hoạch quân sự mới có quy mô lớn với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

Kế hoạch Nava được thực hiện theo hai bước:

Bước 1: Trong Thu - Đông 1953 và Xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược trên chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược để “bình định” miền Trung và miền Nam Đông Dương, giành lấy nguồn nhân lực, vật lực; xóa vùng tự do Liên khu V, đồng thời ra sức mở rộng ngụy quân, tập trung binh lực, xây dựng quân đội cơ động chiến lược mạnh.

Bước 2: Từ Thu - Đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho chúng nhằm “kết thúc chiến tranh”.

Trước tình hình đó, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Định Hóa (Thái Nguyên), bàn về nhiệm vụ quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954 nhằm làm thất bại kế hoạch Na va của địch:

Hướng hoạt động: “Lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác làm hướng phối hợp”.

Chủ trương tác chiến: “Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ, do đó phải phân tán binh lực mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm những bộ phận sinh lực của chúng”.

Phương châm tác chiến: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, đánh chắc, tiến chắc”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, cuối tháng 11/1953, bộ đội chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc. Để bảo vệ Lai Châu và Thượng Lào, thực dân Pháp cho quân chiếm Điện Biên Phủ; nhanh chóng xây dựng nơi đây một tập đoàn cứ điểm mạnh  nhất ở Đông Dương, thách thức và chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với ta  tại Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại cố gắng quân sự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Như vậy, cả ta và địch đều chọn Điện Biên Phủ làm trận đánh then chốt để kết thúc chiến tranh.

Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã diễn ra 3 đợt.

Đợt 1; Từ ngày 13/3 đến 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Nava hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 06/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, ta chiếm Sở chỉ huy của địch, Tướng Đờ Cáxtơri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.

2. Ý nghĩa lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng có ý nghĩa lịch sử to lớn; chứng tỏ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; giáng một đòn mạnh mẽ, quyết định, đập tan hoàn toàn kế hoạch Na va của địch; chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám năm 1945; đã  trực tiếp đưa Pháp ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lại hoà bình ở Việt Nam, mở ra một giai đoạn cách mạng mới: miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa; miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hòa bình và thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại sâu sắc, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân dân thế giới; giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đó là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Nhân dân ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do thì dân tộc đó nhất định giành được thắng lợi. 

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường đã qua các thế hệ mai sau luôn trân trọng và gìn giữ lịch sử, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập626
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm592
  • Hôm nay107,010
  • Tháng hiện tại551,608
  • Tổng lượt truy cập34,137,253
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây