Dự và chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí: đồng chí Tiến sĩ Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Tiến sĩ Lê Quốc Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV - đơn vị tỉnh Đồng Tháp. Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài tỉnh đến dự. Trước khi diễn ra phiên toàn thể Hội thảo, các đại biểu đã đến dâng hương tại Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (tên thật là Nguyễn Sinh Huy) sinh năm 1862, tại làng quê nghèo khó - Làng Sen, xã Chung Cự (ngày nay gọi là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ngay từ năm 4 tuổi, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã mồ côi cha mẹ. Chính ở mảnh đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống lịch sử này đã hun đúc nên một nhà nho yêu nước, thương dân tột cùng trong cảnh đất nước đang bị chìm đắm trong ách nô lệ của thực dân Pháp và cũng là lúc nhiều sĩ phu yêu nước trăn trở tìm con đường giải phóng dân tộc. Cụ Sắc đi lên từ tầng lớp nông dân nghèo khổ, bền chí phấn đấu khổ học và tại kỳ thi hội năm Tân Sửu (1901), Cụ đã đỗ Phó bảng. Sau khi đỗ đạt, Cụ không hề quay lưng với lớp người đồng cảnh ngộ lúc nghèo khó, mà sống hòa mình, hết lòng cưu mang, giúp đỡ họ. Cuộc đời Cụ là cuộc đời của một người giàu lòng yêu nước, thương dân, giàu nghị lực, sống thanh bạch, chịu đựng nhiều nỗi đau mất mát, truân chuyên. Chính nhân cách sống cao đẹp của Cụ đã định hình nhân cách cho những người con của mình, trong đó đặc biệt nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.
Đ/c Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo đề dẫn Hội thảo.
Tìm hiểu về cuộc đời cụ Nguyễn Sinh Sắc, chúng ta thấy nổi bật các đức tính cao quý mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ cần học tập, lưu truyền, giáo dục các thế hệ mai sau. Đó là: đức tính kiên trì, chịu thương, chịu khó; là một ông quan thanh liêm, khẳng khái, luôn đứng về phía dân nghèo và chống đối bọn cường hào ác bá; có lòng yêu nước, thương dân khôn cùng. Chính lòng yêu nước, thương dân khôn cùng của cụ Phó bảng đã ươm mầm, chắp cánh cho nhà cách mạng vĩ đại Nguyễn Ái Quốc vượt qua bao gian nguy, thử thách để tìm ra con đường cứu dân, cứu nước. Lòng thương dân đó ở cụ Sắc có nguồn gốc sâu xa từ trong cuộc đời của mình, từ nghèo khổ mà đi lên, chịu ơn sâu nghĩa nặng của dân. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là con người đôn hậu dễ xúc cảm, giàu lòng thương người, do xuất thân nghèo khổ lại sống gần dân. Sống trong đất nước hòa bình, phát triển như ngày nay, càng hiểu được giá trị công lao cụ Phó bảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân, với nước bao nhiêu, các thế hệ người Việt Nam càng phải thấy trách nhiệm của mình đối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước lớn bấy nhiêu. Tấm gương ngời sáng về đức kiên trì, tinh thần hiếu học, lòng yêu dân, yêu nước vô bờ bến của cụ Sắc sẽ mãi soi rọi cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Việt Nam trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng.
Phát huy phẩm chất đạo đức của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang luôn chú trọng cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương phù hợp với tình hình địa phương. Yêu cầu mỗi cấp ủy Đảng phải là hạt nhân lãnh đạo, là trung tâm đoàn kết của đảng bộ; cán bộ, đảng viên phải tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, có lối sống trong sạch, giản dị,…Đặc biệt, Tỉnh ủy luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên phù hợp chức năng, nhiệm vụ chính trị từng địa phương, đơn vị.
Căn cứ vào hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách nghiêm túc gắn với thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và Quy định 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,. Cùng với đó, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua đó, phát huy các nhân tố tích cực, đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục nâng lên về tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân; năng động, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu và nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng,…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo việc thực hiện đăng ký thực hiện chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên gắn với các quy định của Trung ương để kịp thời chấn chỉnh, hạn chế tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh đã thể hiện rõ ý thức chính trị góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Để tiếp tục nâng cao việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên gắn với nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Quán triệt thực hiện nghiêm túc Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận 21-KL/TW khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy định về nêu gương và những điều đảng viên không được làm.
2. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức theo Nghị quyết, Kết luận, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nâng cao tính tự rèn luyện trong cán bộ, đảng viên. Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; mỗi người tận tụy, cần cù trong công tác, có ý thức phòng chống tham nhũng, lãng phí. Luôn sẵn sàng chia sẻ, khắc phục khó khăn với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ.
3. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh với các biểu hiện sai trái, cán bộ, đảng viên không ngừng học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.
4. Các cấp ủy Đảng thường xuyên lãnh đạo, quan tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị theo quy định.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho khoa bảng, một nhà giáo, một thầy thuốc có nhân cách thương người, một nhà Phật học uyên thâm và là một nhà hoạt động yêu nước. Chính lòng thương dân, yêu nước của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có ảnh hưởng sâu sắc và có tính quyết định đối với quá trình hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành, sau này là lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam. Chúng ta cần phải có trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, thương dân, nhân cách sống trong sáng, liêm khiết.