Huyện cù lao có nhiều tiềm năng phát triển

Thứ năm - 11/04/2013 23:21
Qua 5 năm thành lập (30/4/2008 - 30/4/2013), một chặng đường tuy không dài, nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn nhận sự thay da đổi thịt từng ngày trên địa bàn huyện Tân Phú Đông cùng với những mục tiêu định hướng rõ ràng để nâng cao tầm vóc huyện mới trong tương lai, không những đáp ứng sự mong mõi của cư dân cù lao mà còn là sự kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, huyện qua các thời kỳ. Bởi quan điểm thành lập huyện cù lao đã xuất hiện trong tư tưởng chỉ đạo của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đồng chí chí Nguyễn Chí Trung - Nguyên UVTVTU, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã cho biết về vấn đề này như sau:
Đồng chí Nguyễn Chí Trung - Nguyên UVTVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy
Đồng chí Nguyễn Chí Trung - Nguyên UVTVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy
Năm nay, tuy đã tròn 80 tuổi, nhưng tôi nhớ không lầm là vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, Ban thường vụ Tỉnh ủy lúc bấy giờ, mà cụ thể là các đồng chí Lê Văn Phẩm (Bí thư), Huỳnh Văn Niềm (Phó Bí thư) và đồng chí Lê Công Bình (CT. UBND tỉnh) cùng các đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh đã thống nhất đề ra chủ trương là song song với tiến trình ngọt hóa Gò Công còn tập trung xây dựng các công trình đê bao cục bộ ngăn chặn triều cường và phòng chống mặn xâm nhập khu vực cù lao Lợi Quan, nhằm từng bước hình thành vùng kinh tế trọng điểm kết hợp với củng cố tiềm lực quốc phòng để tiến dần đến việc thành lập huyện cù lao của tỉnh. Mặc dù chỉ mới là tư tưởng chỉ đạo thôi, nhưng thật sự đã mang lại nhiều niềm vui và niềm mong đợi của nhiều người con được sinh ra và lớn lên trên vùng đất Gò Công giàu truyền thống anh hùng cách mạng. Và mơ ước đó đã trở thành hiện thực khi ngày 30/4/2008, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQVN tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập huyện Tân Phú Đông theo Nghị định 09-NĐ/CP của Chính Phủ.

- PV: Kính thưa đồng chí, qua 5 năm thành lập, đời sống kinh tế - xã hội huyện nhà đã có nhiều thay đổi. Vậy đồng chí nhận xét đánh giá về sự thay đổi đó như thế nào ?

- Đồng chí Nguyễn Chí Trung:
Thay đổi rất lớn, rất toàn diện.

Trước nhất là nền kinh tế nông nghiệp đã xóa được thế độc canh cây lúa. Xưa kia vùng đất này chỉ sản xuất mỗi năm 01 vụ lúa năng suất thấp. Nhưng từ khi thành lập huyện Tân Phú Đông đến nay, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là sự hỗ trợ giúp đỡ của ngành nông nghiệp, bà con nông dân huyện nhà đã thực hiện bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi ngày càng có hiệu quả, mở ra nhiều diện tích sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa ăn chắc, có nơi 3 vụ, năng suất thu hoạch bình quân trên 4,2 tấn/ha, tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi thành lập huyện. Các mô hình kinh tế kết hợp như vườn -ao - chuồng, vườn - ao - chuồng - ruộng,… xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Đáng chú ý là mô hình trồng màu xen canh dưới chân ruộng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao, mở ra nhiều triển vọng cho nền kinh tế kết hợp nông ngư nghiệp của huyện hiện nay. Phong trào nuôi trồng thủy sản không những phát triển rất mạnh, nâng diện tích lên hàng ngàn ha mà còn được qui hoạch vùng nuôi rất cụ thể, cùng với đặc sản mãng cầu xiêm được xây dựng thành vùng chuyên canh đã tạo nên mũi nhọn kinh tế rất đặc trưng của huyện cù lao.

Kế đến là sự thay đổi vượt bậc về kết cấu cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm và nước sinh hoạt. Thật sung sướng biết bao khi đi đâu, đến đâu trên cả cù lao này, ngay cả Cồn Bà xã Tân Thạnh cũng nhìn thấy nhà nhà đều có điện thắp sáng, không còn cảnh đèn dầu leo lét như những năm về trước. Lớp người cao tuổi như chúng tôi thật không dám nghĩ đến, nhưng giờ đã là hiện thực khi con đường huyết mạch nối liền 5 xã cù lao quê mình được trãi nhựa phẳng phiu thay cho con đường đất đỏ lầy lội, trơn trợt vào mùa mưa bão. Đường tỉnh 877 được nâng cấp trãi nhựa kéo theo nhà cửa mọc lên sán sát, chợ búa mua bán cũng sầm uất hơn nhiều so với các năm về trước. Nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất ngành nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp cũng từ đây mà ngày càng phát triển, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống người dân lên gấp nhiều lần so với trước khi thành lập huyện. Nếu như trước đây, con em của chúng ta khi vào cấp 3 phải qua phà sang học ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây hoặc thị xã Gò Công thì giờ đây đã có trường cấp 3 đặt tại trung tâm huyện. Bên cạnh đó, còn có nhiều khu trường học mới xây đồ sộ, khang trang, kiên cố theo chuẩn quốc gia, những thay đổi đó thật vô cùng to lớn. Không những khắc phục được tình trạng đi học xa của con em chúng ta mà giờ đây nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân cũng được đáp ứng kịp thời hơn. Các trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện, rồi Bệnh viện huyện cũng đang được đầu tư xây mới với đầy đủ các trang thiết bị y tế cùng với đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường, bảo đảm phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cư dân cù lao. Thật đáng mừng là nhiều năm rồi trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh. Trong kết quả đó phải kể đến sự đổi thay nhiều của hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân địa phương, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch  ngày càng tăng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Nổi bật nhất là tranh thủ vào sự giúp đỡ của tỉnh, huyện đã xây dựng công trình giếng nước 6 ha xã Tân Thới là sự đột phá rất lớn trong việc khắc phục khó khăn nguồn nước sinh hoạt của cư dân cù lao trong mùa khô, đồng thời là điểm nhấn đáng chú ý trong quá trình xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Tân Phú Đông qua 5 năm thành lập.
 
Một đoạn đường ở huyện Tân Phú Đông đã được trải nhựa.
Một đoạn đường ở huyện Tân Phú Đông đã được trải nhựa

- PV: Kính thưa đồng chí, phát huy những kết quả đạt được qua 5 năm thành lập, huyện Tân Phú Đông cần phải tập trung thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ gì để phát triển KT - XH gắn với nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian tới ?

- Đồng chí Nguyễn Chí Trung:
Tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I, nhiệm kỳ (2010-2015). Trọng tâm là thực hiện bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kết hợp phát triển nông ngư nghiệp với mở rộng thương mại, du lịch và ngành nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp. Muốn thực hiện được mục tiêu này, cần tiếp tục qui hoạch vùng sản xuất trên cơ sở đã có qui hoạch nhưng chưa hoàn chỉnh. Ưu tiên phát triển kinh tế vùng với từng loại cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện môi trường của từng địa phương. Theo đó, con tôm, cây lúa và mãng cầu xiêm luôn giữ thế chủ đạo trong nền kinh tế nông nghiệp của huyện. Huy động mọi nguồn lực để khơi dậy tiềm năng đất đai và lao động là hai vốn quí của huyện Tân Phú Đông. Hiện nay, khu vực Cồn Cống thuộc xã Phú Tân còn rất nhiều diện tích chưa khai thác. Do thiếu việc làm nên tình trạng lao động bỏ địa  phương đi nơi khác làm ăn còn khá phổ biến. Huyện cần có chủ trương, chính sách  giữ chân họ lại như đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất ngành nghề truyền thống TTCN như xe nhang, bó chổi,… mở ra các cơ sở chế biến thủy sản qui mô vừa và nhỏ, nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho thủy sản hàng hóa, giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Tranh thủ vào sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và tỉnh xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn, nhất là hạ tầng giao thông. Củng cố nâng chất, các bến phà, đò, các trục đường giao thông chính, bảo đảm vận chuyển lưu thông hàng hóa với các vùng lận cận, kết hợp phát triển du lịch sinh thái như Cồn Ngang (Phú Tân), Cồn Tròn (Tân Phú),…Cần sớm triển khai thực hiện dự án công trình “Đắp đập hai đầu sông Cửa Trung để tạo thành hồ chứa nước”. Vì cù lao huyện Tân Phú Đông được bao bọc bởi 02 nhánh sông Cửa Tiểu và Cửa Đại trên cơ sở 02 cù lao chính cách nhau bằng sông Cửa Trung dài trên 20 km, trong đó cù lao phía Bắc gồm 05 xã: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân và cù lao phía Nam là xã Tân Thạnh rất thích hợp cho khai thác du lịch sinh thái. Ngoài ra, việc đắp đập hai đầu sông Cửa Trung để tạo thành hồ chứa nước còn nhằm ngăn mặn phía hạ lưu của sông từ tháng 12 năm trước đến tháng 02 năm sau, bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp cho hàng ngàn ha diện tích cây trồng các loại; ngăn mặn, tích trữ nước ngọt tại hồ Cửa Trung từ tháng 02 đến tháng 5 đồng thời lợi dụng thời gian nước sông tại thượng lưu sông không bị nhiễm mặn, lấy nước và trữ ở các hồ phân tán đễ lắng lọc thành nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn hộ dân trong khu vực này của huyện, đồng thời góp phần cải thiện môi trường, nâng cao điều kiện sống của người dân. Bởi vì công trình đắp đập ngăn sông Cửa Trung nếu được xây dựng chắc chắn sẽ cùng với các công trình khác như giếng nước 6 ha xã Tân Thới, bến phà Ponton Tân Long, Bệnh viện Tân Phú Đông và đường tỉnh 877B sẽ nâng cao tầm vóc huyện mới, làm nền tảng thúc đẩy KT - XH ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

- PV: Xin cám ơn đồng chí!

Hữu Dư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập269
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm245
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,170,416
  • Tổng lượt truy cập34,756,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây