Tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Lê Hồng Anh, UVBCT, Thường trực Ban Bí thư đã nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đạt được trong 6 tháng đầu năm, trong đó nổi bật là sự đoàn kết, nhất trí, đồng thuận của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân cùng chung sức vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Nổi bật trong đó là cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá. Nhiều chỉ tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như: thu ngân sách từ kinh tế địa phương, kim ngạch xuất khẩu, sản lượng nông - lâm - thủy hải sản... Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quá trình thâm canh cây trồng - vật nuôi nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị và chất lượng nông sản hàng hóa ngày một tốt hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ, đảm bảo được an sinh xã hội và thúc đẩy tốc độ giảm nghèo nông thôn.
Trong thành công chung đó phải khẳng định được vai trò to lớn của sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, của chính quyền và đoàn thể các cấp, việc củng cố hệ thống chính trị đảm đương tốt các nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Đồng chí Lê Hồng Anh cũng nhắc nhở lãnh đạo địa phương cần khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại để đẩy mạnh phát triển bền vững, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ theo nghị quyết đề ra năm 2014 cũng như giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó, cần có biện pháp tháo gỡ để đưa kinh tế phát triển một cách vững chắc, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho tương xứng với tiềm năng và thế mạnh địa phương mà quan trọng là thúc đẩy sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng mạnh, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nền kinh tế, quan tâm hơn nữa công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang cần phát huy vị trí đắc địa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng thời là cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tích cực mở rộng hợp tác, liên kết với các tỉnh thành trong khu vực đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng liên kết vùng... Ngoài ra, cần qui hoạch kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng thuận tiện trong đi lại, giao thương, phục vụ đời sống mọi mặt của nhân dân; có chiến lược hợp lý phát triển các sản phẩm và thương hiệu chủ lực, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại, tạo chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt thông qua tái cấu trúc nền nông nghiệp, phát triển cây trồng vật nuôi có chất lượng, hình thành những vùng chuyên canh hàm lượng công nghệ cao, mở mang thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách tương xứng; tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng chí Lê Hồng Anh ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Tiền Giang về một số chương trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn: dự án nâng cấp đê biển Gò Công; chương trình kiên cố hóa gắn với chuẩn hóa trường lớp (giai đoạn 2) cần được bổ sung vốn; các chính sách về tuyển dụng công chức, viên chức và xây dựng Đảng; tăng cường cán bộ cho các huyện, thành, thị trên địa bàn...
Báo cáo với đồng chí Lê Hồng Anh và Đoàn công tác của Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Danh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn nhưng nhờ có sự nỗ lực cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nên nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh đạt khá. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân 9,1%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý và đúng hướng, kim ngạch xuất khẩu đạt 621 triệu USD, đạt 53,1% nghị quyết năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 20.902 tỉ đồng, đạt 46,4% nghị quyết năm, thu ngân sách từ kinh tế địa phương 2.256 tỉ đồng, đạt 60,9% nghị quyết năm... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: kinh tế có phát triển nhưng chưa thực sự vững chắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh địa phương, tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn chậm...