Những chủ trương, đường lối của Đảng được cụ thể hóa qua các nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy địa phương. Việc tuyên truyền đảm bảo yêu cầu dễ hiểu, dễ nhớ, đi sâu vào những vấn đề trọng tâm của các nghị quyết, chỉ thị, đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn của cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ hiện nay là phần nhiều các bài viết còn nặng về lý luận, chưa khắc họa được rõ nét hình ảnh người đảng viên trong đời thường, trong mối quan hệ với quần chúng,...
Thực tế cho thấy, tuyên truyền về xây dựng Đảng trên báo Đảng địa phương là một nhiệm vụ mà rất nhiều phóng viên “ngại” vì tính chất “khô, khó” của nó. Đặc biệt, đối với những phóng viên chưa phải là đảng viên, việc viết về xây dựng Đảng càng khó khăn hơn. Mặt khác, lâu nay tuyên truyền về xây dựng Đảng trên báo Đảng nói chung thường thiên về cổ vũ cái mới, cái hay, các thành tựu tốt đẹp. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng chưa đầy đủ. Bởi vì trong thực tế vẫn còn đảng bộ, chi bộ yếu kém. Do vậy, bên cạnh những bài viết về đảng bộ, chi bộ vững mạnh, đồng thời vẫn viết về những đảng bộ, chi bộ còn yếu kém là rất cần thiết. Những bài viết phải đi sâu tìm rõ nguyên nhân của sự yếu kém để đề xuất cho được những giải pháp, những việc làm để khắc phục và củng cố nâng lên đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh. Hiện nay, một vài cơ quan báo chí có đề cập cần sớm phát động xây dựng gia đình đảng viên gương mẫu. Bởi sức lan tỏa của người đảng viên trước hết phải được cảm nhận từ cách sống trong gia đình, với cha mẹ, vợ con…
Viết về xây dựng Đảng đòi hỏi người làm báo phải có sự đầu tư chiều sâu, có tâm huyết mới có thể làm tốt nhiệm vụ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ làm báo cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, thông tin nghiệp vụ, nắm vững các nguyên tắc, quy định… về công tác Đảng để đảm bảo tin, bài không gây phản cảm, sai sót về chính trị khi xuất hiện trên mặt báo; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn; nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí viết về lĩnh vực xây dựng Đảng.